Phác đồ điều trị bệnh cá rô phi đơn tính do vi khuẩn gây bệnh

Theo kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm của cá Rô phi thương phẩm và phân tích môi trường nước ao nuôi cá tại xã Cổ Bì huyện Bình Giang của Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I đã kết luận:
Phác đồ điều trị bệnh cá rô phi đơn tính do vi khuẩn gây bệnh

- Tác nhân gây bệnh ở cá Rô phi là vi khuẩn Streptococus. Sp

- Dấu hiệu bệnh lý: Cá bị bệnh màu sắc cơ thể tối, mắt lồi, cá bơi bất bình thường, gan, thận, mật sưng to, ruột không có thức ăn.

- Môi trường nước ô nhiễm (sử dụng nhiều phân, đáy ao không nạo vét).

Sau khi thống nhất với Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Trung tâm Quốc gia giống Thuỷ sản nước ngọt miền Bắc đưa ra phương pháp phòng trị bệnh cho cá Rô phi như sau:

1. Áp dụng biện pháp phòng chung:

Tẩy dọn ao trước chu kỳ nuôi, nạo vét bùn đáy (nhất là bùn hoa, bùn đen), lấp hang hốc rò rỉ, mua cá giống tại các địa chỉ có uy tín, tắm cho cá trước khi thả bằng dung dịch muối ăn với nồng độ 2 ÷ 3%, cho cá ăn theo 4 định (định địa điểm, định thời gian, định số lượng, định chất lượng), định kỳ thay nước cho ao, không bón phân tươi xuống ao, loại bỏ thức ăn thừa trước khi cho thức ăn mới ....

2. Áp dụng phác đồ điều trị:

Khi cá trong ao bị bệnh có thể áp dụng 1 trong các phác đồ điều trị sau:

1.1. Phác đồ 1:

- Dùng Vạn tiêu linh (viên sủi của Trung Quốc) để xử lý môi trường với liều lượng 0,3g/m3. Rải đều khắp ao.

- Dùng kháng sinh Enrofloxacinine cho cá ăn 5 ÷ 7 ngày liên tục với liều lượng 0,5g/kg thức ăn/ngày. Hoà thuốc vào nước rồi trộn đều vào thức ăn để 10 ÷ 20 phút sau cho cá ăn.

1.2. Phác đồ 2:

- Dùng SDK xử lý môi trường nước với liều lượng 1lít/1000 ÷ 1500m3. Hoà loãng té khắp ao.

- Dùng thuốc Hemorrhage cho cá ăn 5 ÷ 7 ngày liên tục với liều lượng 30 ÷ 40ml/kg thức ăn/ngày.

1.3. Phác đồ 3:

- Dùng vôi CaO, CaCO3 tẩy ao (tuỳ theo pH) với liều lượng 2kg/100m3 nước/lần. Dùng tháng 1 ÷ 2 lần, hoà loãng té khắp ao.

- Dùng thuốc Erythromycine cho cá ăn với liều lượng 2 ÷ 5g/100kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục 5 ÷ 7 ngày.

Lưu ý: Bệnh của cá khó chữa vì vậy cần áp dụng biện pháp phòng bệnh là chính, khi cá mắc bệnh xử lý môi trường kết hợp cho cá ăn thuốc. Khi cho cá ăn con cá nào không ăn được thuốc không có khả năng khỏi bệnh.

KS. Nguyễn Mạnh Tấn

Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây