Thanh Miện: mở rộng diện tích trồng ngô đông làm đất tối thiểu

Sáng ngày 27 tháng 11 năm 2009 tại xã Hùng Sơn và xã Tứ Cường huyện Thanh Miện, Uỷ ban Nhân dân huyện Thanh Miện đã phối hợp với Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả xây dựng mô hình trồng ngô vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu và đặt bầu chỉnh tán lá đối với hai giống ngô MX10 và HN88.
Thanh Miện: mở rộng diện tích trồng ngô đông làm đất tối thiểu
Trong những năm gần đây diện tích cây rau màu vụ đông nói chung và diện tích cây ngô đông nói riêng ở huyện Thanh Miện ngày càng giảm. Nguyên nhân diện tích ngô giảm có nhiều lý do, trong đó có lý do chi phí đầu tư cho vật tư phân bón, thuốc sâu chiếm trên 30% và chi phí về công lao động cũng quá cao, chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi đó năng suất ngô bình quân và thu nhập thấp, người nông dân không mặn mà với việc trồng cây ngô. Nhằm giảm lượng phân bón, giảm công lao động trên một đơn vị diện tích, nhưng năng suất vẫn đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao hơn, làm điểm trình diễn để mọi người học tập áp dụng ra diện rộng năm 2009 Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện đã xây dựng mô hình trồng ngô đông mật độ cao theo phương pháp làm đất tối thiểu và đặt bầu chỉnh tán lá tại các xã Hùng Sơn, Tứ  Cường và thị trấn Thanh Miện huyện Thanh Miện với quy mô 20,0 ha. Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình Trạm khuyến nông cũng đã tập huấn cho bà con xã viên các địa phương trong huyện về phương pháp trồng ngô đông mật độ cao theo phương pháp làm đất tối thiểu và đặt bầu chỉnh tán lá. Do làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn và sự chỉ đạo sắt sao của các cấp chính quyền địa phương vụ thu đông năm 2009 huyện Thanh Miện có diện tích ngô đông tăng đột biến đạt 390,0 ha, tăng so với vụ đông năm trước 191,0 ha (năm 2008: 199,0 ha). Đến nay toàn bộ diện tích ngô đã cho thu hoạch, năng suất bắp tươi còn vỏ trung bình đạt 10,0-11,0 tấn/ha (360,0 - 400,0 kg/sào), trừ chi phí lãi từ 1,0 – 1,5 triệu đồng/sào.

Mô hình trồng ngô đông mật độ cao theo phương pháp làm đất tối thiểu và đặt bầu chỉnh tán lá đã tận dụng được rơm, rạ trên đồng ruộng phủ lên gốc cây ngô, hạn chế cỏ mọc và để làm phân bón cho vụ sau góp phần giảm thiểu ô nhiễm khói đốt rơm, rạ trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất từ 4,0-4,5 triệu đồng/ha (46-50%). Kết quả của mô hình là cơ sở để mở rộng diện tích trồng ngô đông tại địa phương trong những năm tiếp theo góp phần tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay đang có xu hướng giảm dần do xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ; giải quyết công ăn việc làm cho những lao động nông nhàn tại địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn.

KS. Vũ Văn Tân, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây