Mô hình áp dụng TBKT Phát triển kinh tế xã nghèo

ĐỀ TÀI XÂY DỰNG MÔ HÌNH ÁP DỤNG TBKT PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ NGHÈO, KẾT HỢP BẢO VỆ TÍNH ĐA DẠNG SINH HỌC VÙNG BÃI NGOÀI ĐÊ THUỘC HUYỆN TỨ KỲ

Chủ nhiệm đề tài: KS. Bùi Văn Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ.

Cơ quan chủ trì: UBND huyện Tứ Kỳ.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian thực hiện: 01/2002 - 12/2003.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng tiến bộ kỹ thuật đưa giống đặc sản giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất bãi ngoài đê xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

- Bảo tồn, phát triển nguồn đặc sản nước lợ vùng bãi ngoài đê.

- Thông qua kết quả ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để đào tạo cho một bộ phận nông dân có kỹ thuật làm nghề nuôi trồng thuỷ sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo ở xã còn có nhiều khó khăn.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA ĐỀ TÀI.

1. Địa điểm thực hiện đề tài: xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

2. Kết quả thực hiện dự án.

2.1. Điều tra khảo sát.

a. Tình hình kinh tế - xã hội xã An Thanh:

Xã An Thanh nằm ở phía Đông Nam huyện Tứ Kỳ.

Dân số đến 31/12/2001 có 8.200 người, với 2.150 hộ. Trong đó, hộ nông nghiệp chiếm 90%. Tổng diện tích đất hành chính 960,94 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 682,42 ha, bình quân đầu người 832m2/người.

Cơ cấu các ngành kinh tế: nông nghiệp 74,4%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 22,8%, dịch vụ 2,8%.

Thu nhập bình quân đầu người: 2,57 triệu đồng/người/năm.

Đánh giá chung: An Thanh là xã vùng sâu, vùng xa và là xã nghèo, dân số vào loại lớn trong huyện, lực lượng lao động dư thừa, kinh tế chậm phát triển, năng suất cây trồng thấp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm. Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn 13 phòng học cấp 4 xuống cấp, không đảm bảo an toàn, 10,5 km đường đất, chương trình kiên cố hoá kênh mương chưa triển khai thực hiện.

Đời sống nhân dân tuy được cải thiện một bước nhưng tỷ lệ hộ khá còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, còn 10% số hộ nhà ở đơn sơ. Xã có 13% diện tích đất bãi ngoài đê, chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, năng suất thấp.

b. Khảo sát địa hình khí hậu, thuỷ văn vùng bãi.

- Địa hình:

+ Vùng bãi ngoài đê An Thanh địa hình thấp trũng, cốt đất từ +180 cm đến +200 cm, chiếm 2%.

+ Cốt đất trung bình từ +100 cm đến +110 cm, chiếm 80%. Cốt đất thấp từ +70 cm đến +80 cm, chiếm 18%.

- Khí hậu: chịu ảnh hưởng chung của vùng đồng bằng bắc bộ, nhiệt đới gió mùa, mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều.

- Thuỷ văn: vùng bãi ngoài đê do nằm ở hạ lưu sông Thái Bình nên chịu ảnh hưởng nước dồn từ thượng lưu đưa xuống và con nước thuỷ triều theo mùa, nên vùng này thường có thời gian ngập úng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11.

c. Tình hình sử dụng, khai thác tài nguyên vùng bãi.

Tổng diện tích vùng bãi chịu ảnh hưởng nước lợ 62 ha, trong đó: 13,5 ha là thùng đấu giáp chân đê; 11,5 ha đã được nhân dân quây vùng đào ao thả cá; 37 ha cấy lúa 1 vụ chiêm xuân năm 2001. Cụ thể:

- Nuôi cá nước ngọt: diện tích nuôi 11,5 ha; năng suất 2,7 tấn/ha, sản lượng đạt 10,8 tấn, tổng thu ước đạt 86,4 triệu đồng.

- Cấy lúa (1 vụ chiêm xuân): diện tích 37 ha, năng suất 4,1 tấn/ha; sản lượng 151 tấn, tổng thu ước đạt 302 triệu đồng.

- Khai thác rươi: sản lượng ước đạt 2,5 tấn, tổng thu ước đạt 100 triệu đồng.

- Khai thác cá tự nhiên và các thuỷ đặc sản khác (cá, tôm, cà ra, cáy...) sản lượng ước đạt 9 tấn, tổng thu 72 triệu đồng.

Tổng thu trên diện tích đất bãi: 560,4 triệu đồng.

Thu bình quân 1 ha đất bãi: 9 triệu đồng.

2.2. Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng.

2.2.1. Mô hình nuôi tôm càng xanh.

a. Địa điểm và qui mô thực hiện.

- Địa điểm: bãi ngoài đê thôn An Định, xã An Thanh.

- Quy mô:

+ Diện tích: Năm 2002 thực hiện trên 2,5 ha, năm 2003: 1,5ha.

+ Số hộ thực hiện dự án: 15 hộ (năm 2002: 5 hộ, năm 2003: 10 hộ).

Năm 2001 nhiều hộ đã tham gia thực hiện dự án nông thôn, miền núi do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) chủ trì thực hiện nuôi tôm Rảo, tôm He chân trắng tại bãi ngoài đê. Hầu hết các hộ đều không có chuyên môn kỹ thuật, trình độ văn hoá 9/12, hạn chế tiếp thu các TBKT vào sản xuất.

Số hộ có kinh tế ổn định chiếm tỷ lệ thấp, đa số là hộ nghèo mới đấu thầu đất công điền ở ngoài bãi, toàn bộ vốn đều tập trung cho đào ao. Trong đó, 38% là vốn tự có, 62% là vốn vay, chưa có thu nhập từ chuyển đổi sản xuất.

Diện tích mặt nước của các hộ khoảng 2.227m2, một số hộ đã có kiến thức cơ bản về nuôi tôm.

b. Môi trường ao nuôi.

Các ao nuôi có điều kiện cấp, thoát nước thuận lợi, vùng bãi ngoài đê thường bị ngập trong mùa lũ.

c. Các biện pháp kỹ thuật.

Bảng 1: Các biện pháp kỹ thuật và quy mô thực hiện.

Các chỉ tiêu

Năm 2002

Năm 2003

Hình thức nuôi

Bán thâm canh và nuôi ghép

Thâm canh, nuôi đơn

Số lượng tôm giống thả (con)

99.300

210.000

Cá thả ghép (con)

2.000 con, trọng lượng 50 g/con

Không

Kích cỡ và trọng lượng tôm giống

1,2-2,5 cm/con; 0,05 g/con

2,5-3 cm/con; 0,2 g/con

Mật độ thả

7,5-13,8 con/m2

13,3-15 con/m2

Ngày thả

14/6/2002

8/6/2003

Thời gian nuôi bình quân (ngày)

175

167

Thức ăn

Công nghiệp và tự chế

Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp

Kỹ thuật nuôi

Theo quy trình

Theo quy trình đã được hoàn chỉnh của năm 2002

d. Kết quả.

Bảng 2: Tốc độ sinh trưởng của tôm càng xanh năm 2002 và 2003.

Các chỉ tiêu theo dõi

Năm 2002

Năm 2003

Tốc độ sinh trưởng (g/con)

Tháng thứ nhất

2,33

4,36

Tháng thứ hai

Do nước lũ, không kiểm tra được

10,1

Tháng thứ ba

9,6

16,2

Tháng thứ tư

19,1

23,5

Trọng lượng bình quân (g/con)

23

26

- Năm 2002: sau 175 ngày nuôi thu được 923 kg, năng suất bình quân 923 kg/ha, trọng lượng bình quân 23 g/con, tỷ lệ sống so với thả ban đầu đạt 40,5%.

- Năm 2003: sau thời gian nuôi là 167 ngày trọng lượng đạt bình quân 26,2 g/con, sản lượng tôm thu được 2.040kg, năng suất bình quân 1.360 kg/ha, tăng 47,3% so với năm 2002. Có 2 hộ đạt cao nhất là 1.767 kg/ha và 2.000 kg/ha.

e. Hiệu quả kinh tế.

- Nuôi tôm bán thâm canh năm 2002 lãi 18,822 triệu đồng/ha (gấp 5,5 lần so với cấy lúa).

- Nuôi tôm thâm canh năm 2003 lãi 21,101 triệu đồng/ha.

2.2.2. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá chim trắng.

a. Địa điểm và thời gian nuôi.

- Địa điểm: vùng bãi ngoài đê xã An Thanh.

- Thời gian thả: 3/6/2002.

b. Nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chim trắng.

Trên diện tích 2.500 m2 thả 1.500 cá rô phi đơn tính, ghép với 900 cá chim trắng. Cá giống rô phi đơn tính khi thả 5,6 g/con chim trắng 40 g/con. Đến tháng 6 và 7 năm 2002 lũ lớn, ao bị ngập bờ, cá đi hết không tổng kết được kết quả thực hiện.

2.2.3. Điều tra hiện trạng, đề xuất quy hoạch tổng thể vùng rươi.

a. Điều tra hiện trạng.

- Đề tài tiến hành điều tra 50ha thuộc bãi thôn An Định và An Lao, xã An Thanh; bố trí một cán bộ phối hợp với các hộ theo dõi sự xuất hiện của rươi.

+ Rươi xuất hiện trên toàn bộ diện tích bãi ngoài đê gồm diện tích cấy lúa 1 vụ, thùng đấu. Trên toàn bộ diện tích điều tra đều có rươi xuất hiện theo con nước. Thời gian xuất hiện: từ tháng 6, 7, 8 vào mùa mưa lũ là không có rươi, còn lại tháng nào cũng có rươi xuất hiện ở mức độ khác nhau.

Rươi tập trung vào các tháng: 9, 10, 11 (Âm lịch).

Rươi chiêm tập trung vào các tháng: 1, 2, 3 (Âm lịch).

Tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm 2002 được 2.500 kg. Trong đó, bãi công điền (An Định), diện tích 10 ha, sản lượng rươi 800 kg. Bãi An Lao diện tích 40 ha, sản lượng rươi 1.700kg.

Năm 2003 khai thác được 1.924 kg rươi.

Khi xuất hiện rươi, các hộ có đất đấu thầu dùng săm chắn rươi ở 7 vị trí cố định để khai thác rươi. Ngoài ra, còn khoảng 400 người dùng vợt nhỏ, rổ, rá vớt rươi.

b. Đề xuất quy hoạch tổng thể vùng rươi.

Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất quy hoạch vùng bãi An Lao - An Định, xã An Thanh thành vùng bảo tồn, khai thác rươi. Bãi được giữ nguyên hiện trạng, xung quanh đắp bờ vùng cao trên 1,75 m, cách mép sông 10m, để 5 cửa ra sông, mỗi cửa 2 m.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nuôi tôm càng xanh đạt khá. Quy hoạch vùng bảo tồn rươi không được thực hiện. Tuy vậy, hiện nay các hộ dân đã tự làm bảo tồn khai thác rươi và cáy.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây