Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Xuân Hách, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Thông tin và Chuyển giao tiến bộ sinh học, Hội các ngành Sinh học Việt Nam.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 4 đến tháng 12/2005.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Tiếp thu công nghệ nuôi ếch thương phẩm, góp phần phát triển và đa dạng hoá nuôi đối tượng thuỷ sản hàng hoá cho các hộ nông dân.
- Xây dựng mô hình nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp.
- Hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nuôi phù hợp với các địa phương trong tỉnh Hải Dương, tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng kết quả nghiên cứu.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Xây dựng mô hình nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp.
1.1. Lựa chọn hộ gia đình.
Lựa chọn các hộ nuôi ếch ở các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện tham gia thực hiện đề tài.
Đối tượng nuôi: giống ếch Thái Lan mua của Công ty Lý Thánh Sắc (Hà Tĩnh) 20.000 con ếch giống với trọng lượng bình quân 2,12 g/con và giao 5.000 con cho các hộ ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách; 5.000 con cho các hộ xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ; 7.500 con cho các hộ xã Nam Sơn, huyện Thanh Miện; 2.500 con cho các hộ phường Thanh Bình, TP. Hải Dương.
1.2. Mô hình nuôi ếch trong lồng lưới trên mặt nước ao nuôi thuỷ sản.
- Quy mô: 15.000 con.
- Kỹ thuật áp dụng: Với lồng lưới có diện tích 8 m2 (rộng 2m, dài 4m, cao 1,2m) thả 500 ếch giống. Trước khi cho ếch giống vào lưới tiến hành xử lý bằng dung dịch thuốc tím pha loãng (nước có màu cánh sen) bằng cách nhúng ếch con vào dung dịch 20 - 30 giây. Trong những ngày đầu cho ếch ăn cám công nghiệp có độ đạm 35 - 37% (cám tập ăn loại 61); tiếp theo là loại 91 và 92. Khi ếch đã quen thức ăn thì dùng thức ăn nuôi thuỷ sản (cám viên nổi cho cá ăn có độ đạm 20 - 25%). Trong 15 ngày đầu tiến hành phân đàn 3 - 5 ngày/1 lần. Sau đó 7 - 10 ngày phân đàn một lần cho đến khi thả giống 30 ngày; thường xuyên vệ sinh nguồn nước và thức ăn dư thừa.
Sau 1 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp, trọng lượng ếch tăng 31,6 lần, sau 2 tháng tăng 92,8 lần, sau 3 tháng nuôi tăng 110,24 lần.
Điều kiện môi trường, thức ăn và phân đàn kịp thời quyết định tốc độ tăng trưởng của ếch. Ngoài thức ăn công nghiệp cần bổ sung thức ăn tuơi như cá, tép, giun, v.v... để ếch phát triển ổn định.
1.3. Mô hình nuôi ếch trong bể xi măng trên cạn.
- Quy mô: 5.000 con.
Bể nuôi ếch cần xây rộng, thành cao trên 1,5 m. Đáy và thành bể cần trát xi măng và đánh bóng. Chế độ ăn và phân đàn tương tự như ếch nuôi trong lưới nilon. Cần chú ý thay nước thường xuyên và rửa sạch bể.
- Kết quả:
+ Tỷ lệ phân đàn và tốc độ sinh trưởng của ếch rất nhanh. Sau 1 tháng nuôi ếch tăng trọng gấp 30 lần, sau 2 tháng tăng 80,57 lần, sau 80 - 90 ngày tăng 104,68 lần, đạt trọng lượng 150 - 250 g/con. Nuôi trong bể xi măng tốc độ tăng trưởng của ếch kém hơn nuôi trong lồng lưới trên mặt ao. Nguyên nhân chính là do nuôi trồng nhân tạo, thường xuyên thay nước, rửa bể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của ếch.
+ Kết quả về tỷ lệ sống và trọng lượng bình quân sau 80 - 90 ngày nuôi: Số ếch chết sau nhiều trong thời gian 60 ngày đầu (21 - 27,2%). ếch ở tuổi này thường mắc các loại bệnh: đường ruột, chướng bụng đầy hơi, thần kinh.
1.4. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn: từ 1,3 đến 1,4 kg thức ăn/1kg ếch thịt.
2. So sánh hiệu quả nuôi trên cạn và trong lồng lưới trên mặt nước.
- Nuôi trong bể cạn chi phí cho xây dựng cao hơn nuôi trong lồng lưới. Chi phí chăm sóc cao hơn do không thường xuyên thay nước, rửa bể.
- Tỷ lệ sống của ếch thấp hơn nuôi trên mặt nước. Tại nhà bà Hoa (xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện) nuôi trong bể tỷ lệ sống 69%, nuôi trên mặt nước đạt 70,9%. Trọng lượng xuất bán của ếch nuôi trong lồng nước bình quân 228 g/con, cao hơn ếch nuôi trong bể cạn (bình quân 215 g/con).
Như vậy, nuôi ếch trong lưới trên mặt ao hiệu quả cao hơn nuôi ếch trong bể xi măng.
3. Hiệu quả kinh tế.
- Nuôi 2.500 ếch trong thời gian 3 tháng đạt lợi nhuận 3 - 3,2 triệu đồng.
- Tạo thêm một đối tượng mới trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản của tỉnh.
- Nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp cho phép người nuôi thuỷ sản tận dụng lao động, tận dụng diện tích mặt nước ao nuôi.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sau khi đề tài kết thúc năm 2006, các huyện: Tứ Kỳ có 15 hộ nuôi 350.000 con, Ninh Giang có 3 hộ nuôi 6.000 con, Thanh Miện có 10 hộ nuôi 450.000 con, Nam Sách có 5 hộ nuôi 15.000 con, Kim Thành có 2 hộ nuôi 6.000 con.
Năm 2007, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều hộ nuôi ếch công nghiệp.
Tuy vậy, thị trường trong nước chưa quan tâm đến tiêu thụ ếch công nghiệp, thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Việc mở rộng quy mô nuôi ếch công nghiệp còn gặp khó khăn.