Nhằm kéo dài thời gian thu hoạch để tránh tình trạng tiêu thụ sản phẩm quả vải theo kiểu “no dồn đói góp” lâu nay, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã nghiên cứu lai ghép tạo ra 4 giống vải chín sớm ưu tú trên gốc có sẵn là giống vải thiều, từng bước thay thế giống chính vụ. Trong đó có 2 giống vải chín sớm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận, 2 giống còn lại đang sản xuất thử.
Những giống vải chín sớm đã lai ghép, tuyển chọn thành công đó là giống vải Hùng Long, Bình Khê, Yên Hưng, Yên Phú. Các giống này đều cho thu hoạch tập trung vào trung tuần tháng 5, sớm hơn giống vải thiều Thanh Hà truyền thống từ 15-20 ngày và có giá trị kinh tế cao. Cho đến thời điểm này, các tỉnh thâm canh cây vải hàng hoá như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hoà Bình... đã chuyển đổi khoảng 500 ha vải thiều thành vải chín sớm bằng áp dụng biện pháp kỹ thuật ghép cải tạo.
Tiêu biểu như giống vải chín sớm Hùng Long được tuyển chọn tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) được công nhận chính thức năm 2006. Thời gian thu hoạch từ ngày 10-15/5 hàng năm. Cây sinh trưởng rất tốt, tán cây hình bán cầu, lá hình lòng máng, màu xanh đậm, mép lá phẳng. Chùm hoa to hình tháp, cuống hoa có màu nâu đen. Quả hình trái tim khi chín có màu đỏ sẫm, gai thưa, nổi. Quả to trung bình 23,5g, năng suất trung bình 80kg/cây.
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010, tỷ lệ về diện tích chuyên canh cây vải gồm 25-30% là các giống chín sớm; 65-70% diện tích là giống chính vụ và từ 5-10% là giống vải chín muộn. Mặt khác, Bộ cũng sẽ triển khai dự án tổ chức sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và đa dạng hoá sản phẩm chế biến vải, nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.