Cẩm Giàng: Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015.

Trong những năm qua 2006-2010 sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng gặp nhiều khó khăn về thời tiết, mưa úng, sâu, bệnh,dịch hại, chuột diễn biến phức tạp. ảnh hưởng của lạm phát diễn ra trên phạm vi toàn cầu, giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng cao và không ổn định. Tuy vậy huyện đã chủ động nắm bắt tình hình, khắc phục khó khăn tập trung chỉ đạo thực hiện tương đối tốt các đề án, thúc đẩy phong trào phát triển nông nghiệp và nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm.
Cẩm Giàng: Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị  kinh tế cao  giai đoạn 2011-2015.
Tổng diện tích gieo trồng trong những năm qua giảm dần do chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp; xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ các xã, thị trấn mở rộng đường giao thông và chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Năm 2006 tổng diện tích gieo trồng là 12.266 ha. Năm 2010 tổng diện tích gieo trồng giảm xuống còn 11.444 ha giảm 683 ha so với năm 2006. Diện tích có giảm song năng suất lúa đạt khá cao, năm 2010 đạt 126 tạ/ha. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi về cơ cấu giống lúa và thực hiện tốt Đề án quy vùng sản xuất tập trung lúa Lai và lúa Chất lượng cao. Các giống lúa Lai có năng suất, chất lượng cao được đưa vào gieo trồng như: D.ưu-527, Q.ưu-1, Thục Hưng-6, Sin-6. Lúa thuần chất lương cao như: Bắc Thơm số 7, Hương Thơm số 1. Ngoài ra còn đưa vào cơ cấu gieo cấy thử nghiệm các giống lúa hàng hoá có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ và tập quán canh tác của nông dân trong huyện gồm các giống: BC-15, TBR-1, TBR-36, SH-14, SH-2. Các giống này tuy năng suất chưa hơn hẳn so với giống lúa Q5, nhưng giá trị thu nhập cao hơn từ 1.000-1.500đ/kg thóc. Kết quả ở thời điểm cao nhất đã có 16/19 xã , thị trấn thực hiện quy hoạch 25 vùng sản xuất tập trung lúa lai và lúa chất lượng cao, đưa tỷ lệ lúa lai và lúa lúa chất lượng cao tăng nhanh rõ rệt. Năm 2007 lúa Lai và lúa chất lượng cao chiếm 35% tổng diện tích gieo cấy, Năm 2008: 39%, Năm 2009: 49% , Năm 2010: 54,2%. Kết quả này đã góp phần quan trọng, thay đổi cơ cấu giống theo hướng tăng nhanh hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Diện tích rau màu vụ xuân, vụ hè thu, cây vụ đông nhìn trung chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên một số xã, thị trấn như Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Sơn, Lương Điền, Cẩm Hưng, Cẩm Định ... đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng cây màu cho giá trị kinh tế cao hơn như Cà rốt, dưa hấu, ngô, cà chua, bí xanh, ớt, khoai tây ... đưa giá trị sản phẩm của các loại rau màu vụ xuân, vụ hè thu đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa.
Nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đến năm 2015, thực hiện theo hướng công nghiệp hoá. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng bình quân 3%/năm trở lên. Trong đó ngành trồng trọt tăng 1,5%/ năm.. Bình quân 1ha đất nông nghiệp đạt 100triệu đồng/năm trở lên. Tổng diện tích gieo trồng đến năm 2015 là 10.200ha. Bao gồm: diện tích lúa: 8.000ha; diện tích rau màu vụ xuân: 500ha; diện tích rau màu hè thu: 300ha; diện tích cây vụ đông: 1.400ha. Tập trung quy vùng bố trí diện tích lúa lai và lúa chất lượng gạo cao đạt 65% diện tích. Các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện đất đai và kế hoạch của huyện, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung và giao chỉ tiêu cho từng thôn, đội tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng giảm diện tích các giống lúa thường năng suất chất lượng thấp tăng nhanh diện tích lúa Lai và lúa chất lượng cao. Xây dựng thành từng vùng sản xuất tập trung diện tích từ 10ha trở lên /vùng. Gieo cấy các giống lúa Lai có năng suất chất lượng cao, lúa thuần có chất lượng cao và năng suất ổn định giá bán cao hơn so với các giống lúa thuần đại trà khác. Các xã thực hiện gồm: Cẩm Hoàng, Cẩm Định, Cẩm Hưng, Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Thạch Lỗi, Kim Giang, Lương Điền, Cẩm Sơn. Quy hoạch vùng rau màu, cây thực phẩm làm hàng hoá tập trung từ 20ha trở lên. Vùng Cà rốt ở 2 xã: Đức Chính 290ha, Cẩm Văn 160ha; vùng bí xanh, bí ngô ở 4 xã: Cẩm Hưng 70ha, Lương Điền 30ha, Cẩm Sơn 20ha, Cẩm Đoài 20ha; vùng dưa hấu ở xã Đức Chính; vùng rau màu các loại như Cà chua: 15ha ở xã Lương Điền, các loại rau khác: 45ha ở 2 xã Cẩm Đông, Cao An.
Để thực hiện tốt nội dung này các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ Đảng viên và nhân dân hiểu rõ các mục tiêu, nội dung, giải pháp "Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao", chọn các giống cây trồng phù hợp, để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) phải làm tốt khâu dịch vụ giống cây trồng cho nông dân. Có ký kết hợp đồng trách nhiệm đồng thời có thể nhận làm điểm đại lý cho các công ty cung ứng giống, nhận giống về giao cho hộ nông dân... Mạnh dạn tiếp thu giống cây trồng mới bằng cách đưa vào khảo nghiệm trên địa bàn từ đó nhân ra diện rộng nhằm đẩy nhanh tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng giống cây trồng ngày càng tốt hơn. Ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện tốt mối quan hệ giữa 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông- Nhà khoa học- nhà doanh nghiệp.
Tăng cường cán bộ kỹ thuật khuyến nông trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về thời vụ và kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh theo từng loại cây, đảm bảo đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng hoá. Tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình gieo trồng, chăm sóc, xây dựng các mô hình điểm trình diễn tại địa phương để nông dân tin tưởng và tích cực thực hiện đạt kết quả cao.
Mở rộng tiếp thu công nghệ sinh học vào trồng trọt, thực hiện tốt chương trình IPM phòng trừ sâu bệnh cho từng loại cây trồng, làm tốt công tác dự tính, dự báo, điều tra phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Quy vùng sản xuất tập trung, thực hiện phương châm: "1 vùng 1 giống 1 thời gian" để có điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất. Phấn đấu khâu làm đất đạt 100% sử dụng cơ giới. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Chủ động khâu tưới tiêu 100% diện tích. Tiến tới áp dụng tưới khoa học, theo yêu cầu của từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng. Giao thông ,vận chuyển dùng cơ giới đạt 100%. Tỉ lệ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch là 20%. Sử dụng cơ giới vào khâu sơ chế, phân loại, đóng gói sản phẩm, chế biến bảo quản. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết TW7 khoá X về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Xác định HTX DVNN là HTXDV tổng hợp đảm nhiệm nhiều khâu dịch vụ, đi sâu vào giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các khâu dịch vụ: Thuỷ nông, vật tư phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng và tiêu thụ nông sản ....
Tăng cường tìm đầu ra, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ chế biến, tiêu thụ nông sản. Bằng cơ chế động viên khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về mặt giao thông, bến bãi cho các chủ hàng về tiêu thụ nông sản ở địa phương. Xây dựng chợ đầu mối nông sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, HTX DVNN cần quan tâm đặc biệt tới dịch vụ đầu ra cho nông sản bằng nhiều biện pháp như: liên kết các đơn vị, cá nhân tiêu thụ, nhà máy chế biến nông sản, để có đầu ra ổn định. Huy động mọi nguồn vốn và giải pháp thực hiện đề án "Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao". Tranh thủ nguồn vốn của trung ương, của tỉnh hoặc của Trung ương, của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong và ngoài nước, vốn tín dụng từ các ngân hàng nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân đặc biệt là phát huy vốn tự có của người dân để đầu tư thâm canh các cây trồng. Huyện có cơ chế chính sách phù hợp đầu tư kinh phí hỗ trợ để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, đầu tư vào thâm canh vùng sản xuất tập trung nông sản hàng hoá, trong đề án, hoặc các mô hình trình diễn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng mới, công nghệ mới lần đầu đưa vào sản xuất.
Tăng cường tích tụ ruộng đất hợp lý để công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, khuyến kích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tích tụ ruộng đất như: chuyển nhượng đất, thuê đất, mượn đất, dồn ô đổi thửa nhằm quản lý ruộng đất tập trung theo diện tích lớn. Thực hiện quá trình tích tụ ruộng đất gắn với việc chuyển dịch một phần lớn lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp dịch vụ tại nông thôn và cả ở trong các khu công nghiệp. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trên cơ sở cơ cấu lại đầu tư, có phương án chuyển dịch cơ cấu đầu tư, nâng cao mức độ đầu tư cho nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sự hấp dẫn cho doanh nghiệp về với nông dân. Chuyển đổi nghề cho nông dân thông qua phát triển công nghiệp, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn và đào tạo nghề cho nông dân.
Bài và ảnh: Hoàng Kế
Đài phát thanh huyện Cẩm Giàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây