Thu hoạch cá rô phi đơn tính đực tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Ảnh Ngọc Quỳnh Hải Dương là tỉnh nông nghiệp có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng từ 11.000-13.000 ha.
Phong trào nuôi cá rô phi đơn tính tại Hải Dương phát triển không ngừng từ năm 2004 đến nay. Số hộ nông dân tham gia nuôi cá rô phi ngày càng nhiều, đã dần thay thế một số loài cá truyền thống như mè, trôi, trắm cỏ… Cá rô phi là loài cá dễ nuôi, lớn nhanh sau 4-5 tháng nuôi nếu được cho ăn đầy đủ sẽ đạt trọng lượng 0,4-0,6kg/con. Chúng sử dụng được hầu hết các loại thức ăn tự nhiên, các mùn bã hữu cơ, các ditrit trong môi trường ao nuôi. Do đó nếu được nuôi trong ao, cá rô phí vừa có tác dụng tiêu diệt các loại động vật nhỏ mang mần bệnh vừa có tác dụng làm sạch môi trường và cho sản phẩm có giá trị.
Cá rô phi đơn tính được nuôi chủ yếu là cá được xử lý bằng hormone thuộc các dòng GIFT (Genetic Improvement of Nile Tilapia), NOVIT4. Trên thị trường hiện nay cá rô phi lai xa bước đầu cũng đã được một số hộ nông dân tiến hành nuôi. Chúng có nguồn gốc chủ yếu là từ Trung Quốc, xuất hiện tại Việt Nam với những tên gọi thương mại như là dòng “siêu tốc”, “sô đan” hay “đường nghiệp”. Do nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng con giống không được đảm bảo đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân, như đẻ nhiều, lớn chậm…
Trong năm 2011, Kỹ sư Lê Ngọc Khánh – Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính đực được tạo ra bằng công nghệ lai xa quy mô nông hộ tại tỉnh Hải Dương
Sau một năm tiến hành, mô hình đã xây dựng được 3 mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi lai xa đơn tính đực, quy mô 20.000m2, số lượng cá giống thả 60.000 con, tại 3 hộ và nhóm hộ gia đình của xã Đoàn Thượng, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc và xã Hưng Đạo, huyện tứ Kỳ. Xây dựng được 2 mô hình nuôi thâm canh cá rô phi lai xa đơn tính đực, quy mô 10.000m2, số lượng cá giống thả 60.000 con, tại 2 hộ của xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ và xã Gia Lương, huyện Gia Lộc.
Kết quả nuôi ở cả 2 mô hình đã đạt kích cỡ cá thương phẩm trung bình 500gam/con. Năng suất đều đạt trên trên 12 tấn/ha, đối với mô hình nuôi bán thâm canh và đạt trên 20 tấn/ha đối với mô hình nuôi thâm canh.
Với kết quả đạt được, đề tài đã được hội đồng nghiệm thu tỉnh Hải Dương đánh giá xếp loại: Khá
Hải Ninh