Cây hành là cây trồng vụ đông quan trọng của nông dân nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương, trong đó phần lớn tập trung ở 3 huyện Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành.
Để cây hành trở thành cây gia vị hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sản phẩm hành có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang tính cạnh tranh trên thị trường và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại Hải Dương" tại 2 thôn (thôn Tống Long, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn và thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách) trong năm 2010 và 2011. Với mục đích giới thiệu và phổ biến quy trình VietGAP cho các hộ nông dân, trong năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp đã thành lập 2 nhóm hộ nông dân đó là Tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ hành hàng hóa tại thôn Tống Long, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn với diện tích 4,75 ha, có 52 hộ tham gia và Tổ sản xuất và tiêu thụ hành hàng hóa tại thôn Thụy Trà, xã Thăng Long, huyện Nam Sách có 54 hộ tham gia với diện tích 3,75 ha. Quy chế hoạt động của tổ hợp tác là: đôn đốc, kiểm tra các hộ tham gia thực hiện theo VietGAP (được thể hiện qua quy trình kỹ thuật), các lớp đào tạo về VietGAP, IPM trên cây hành.
Theo anh Vũ Nhật Cảnh, cán bộ khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp: Lợi ích của việc tham gia sản xuất hành theo quy trình VietGAP, nông dân được các cán bộ khoa học của Trung tâm và các cán bộ nông nghiệp, cán bộ bảo vệ thực vật của huyện Kinh Môn và Nam Sách tập huấn qui trình kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP: từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản; xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý chất thải, thông tin về thị trường, quản lý người lao động...đều được ghi chép, lưu hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc, viết nhật ký theo dõi ....
Ông Dư Văn Châu, Chủ nhiệm đề tài cho biết: đề tài được thực hiện từ năm 2010 đến nay, các hộ tham gia mô hình Sản xuất hành theo quy trình VietGAP tại 2 xã Thăng Long và Nam Trung đã có thói quen vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, bà con nắm vững quy trình kỹ thuật, bón phân đủ hàm lượng, chăm sóc và tưới nước sử dụng thuốc bảo vệ trong danh mục cho phép, thu gom tất cả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định, thu hoạch và bảo quan tốt. Trung tâm tiếp nhận kết quả bảo quản hành bằng thuốc Balacide của Viện Bảo vệ thực vật tại xã Hiệp Hòa và đã áp dụng với 20 hộ tại xã Thăng Long, 10 hộ tại xã Nam Trung vào cuối tháng 3 năm 2011 khoảng 30 tấn theo quy trình của Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo. Tỷ lệ hao hụt thấp. Được nông dân chấp nhận. Đến tháng 7 đã tiến hành lấy mẫu hành để phân tích tại Viện Rau quả trung ương, kết quả cho thấy các mẫu hành đều cho kết quả dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép. Vụ đông năm nay, đề tài tiếp tục triển khai tại thôn Tống Long xã Thăng Long, huyện Kinh Môn với diện tích 4,75ha và thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, diện tích 3,75.
Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Tống Long, xã Thăng Long, thành viên Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hành cho biết: "gia đình bà trồng 4 sào hành. Trước đây, với cách chăm sóc truyền thống, cây hành chỉ đạt khoảng 4 - 4,5 tạ/sào, nhưng từ khi được tập huấn kỹ thuật trồng hành theo hướng hàng hóa vụ Đông năm 2010, gia đình bà thu được 5,5 tạ/sào. So với các hộ trồng hành truyền thống, trồng hành theo hướng VietGAP cao hơn 1,0tạ/sào. Với giá bán trung bình từ 10.000 -12.000 đồng/kg, thu được gần 6 triệu/sào. Bà Thắm chia sẻ, ngoài năng suất cao và thu nhập tăng lên đáng kể, sản xuất hành theo quy trình này gia đình bà và các hộ nông dân trồng hành bảo vệ tốt sức khỏe của người sản xuất và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng từ việc giảm phân, thuốc hóa học.
Ông Nguyễn Quang Đồng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét: Qua khảo sát ở các địa điểm trồng hành theo hướng VietGAP tại 2 xã Thăng Long và Nam Trung. Hiện nay, cây hành đang vào giai đoạn xuống củ, hành không có hiện tượng táp la như ruộng hành ngoài mô hình. Việc áp dụng theo quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng phân bón đúng hàm lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép được bà con nông dân 2 xã tuân thủ chặt chẽ. Trồng hành theo quy trình VietGAP sẽ tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất khẩu, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Do vậy, việc triển khai mô hình áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất hành tại huyện Kinh Môn và Nam Sách là rất cần thiết.
Đây là mô hình sản xuất hành theo hướng VietGAP đầu tiên được triển khai tại tỉnh Hải Dương. Hy vọng, việc triển khai đề tài sẽ giúp cây hành tại Kinh Môn và Nam Sách nâng cao được giá trị sản phẩm trong và ngoài nước. Đồng thời, giúp chính quyền và nhân dân địa phương áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ xây dựng được một vùng sản xuất hành hàng hóa gắn quyền lợi giữa người sản xuất với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường bền vững.
Nguyễn Thị Thuận