Mô hình giống bí xanh số 2 triển khai tại xã Quang Minh, Gia Lộc. Ảnh Hải Hậu Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lộc có sự chuyển dịch lớn về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt được nhiều thắng lợi, năng suất và sản lượng nông sản ngày càng tăng....Có được những kết quả trên bởi có sự quan tâm của các cấp ủy, Đảng, Chính quyền và ngành nông nghệp huyện, đức tính cần cù chịu khó của bà con nông dân. Ngoài ra, còn có đóng góp không nhỏ của các cấp hội nông dân huyện Gia Lộc đã nỗ lực thực hiện tốt việc tổ chức chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi tới hội viên.
Hội nông dân huyện xác định công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cơ sở hội sớm, chủ động phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, các Công ty, doanh nghiệp, Ngân hàng và các ngành có liên quan để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hội nông dân huyện đã tổ chức được 143 lớp với 11.181 lượt học viên về chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cụ thể Hội nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Hội nông dân tỉnh tập huấn cho 9 xã với 400 hội viên tiêu biểu về sản xuất rau quả tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau quả theo VietGap nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về chất lượng, an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.Bên cạnh đó, hội nông dân huyện phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây vụ đông cho 23/23 xã, thị trấn, trấn và phối hợp với viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng sản phẩm phân bón vi sinh ET và Amino 6DD nhằm giúp cho cây lúa chống vàng lá, nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ khi gốc rạ phân hủy, giúp cây rau quả tăng sức đề kháng, giảm sâu bệnh, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng nông sản sau thu hoạch. Phối hợp với Công ty Trung Việt tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng phân bón "vườn sinh thái" cho 50 hội viên nông dân xã Đoàn Thượng. Hội nông dân xã Đoàn Thượng, Nhật Tân, Hoàng Diệu phối hợp với công ty Ngôi sao xanh tổ chức triển khai trồng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu, tổng diện tích 12,2 mẫu, cho 89 hộ tham gia; Mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho các hộ tham gia sản xuất, ứng trước giống, phân bón vi sinh và bao tiêu 100% sản phẩm.
Đi đôi với công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thì công tác hỗ trợ cây, con giống cũng được Hội quan tâm. Hội nông dân đã phối hợp Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đưa giống dưa mới Thanh Lê, Bí xanh số 2 tại xã Đồng Quang, Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Thống Kênh, Quang Minh, Đức Xương, Gia Tân, Gia Xuyên với tổng diện tích 75 ha với 1.219 hộ tham gia. Trong đó, diện tích dưa Thanh Lê vụ xuân, vụ hè là 43 ha, Bí xanh số 2 vụ xuân và vụ đông là 32 ha. Các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình Bí xanh, dưa Thanh lê được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm hỗ trợ 50 % tiền giá giống trị giá 56,8 triệu đồng và chuyển giao kỹ thuật 7 lớp cho trên 700 hộ nông dân tham gia sản xuất. UBND huyện hỗ trợ 1,0 triệu đồng/ha cho cây Bí xanh số 2. Cùng với Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Miền Bắc đưa trên 2 vạn con cá rô phi dòng Sodan vào sản xuất tại xã Thống Nhất, Phạm Trấn với diện tích 5 mẫu, 7 hộ tham gia. Trung tâm hỗ trợ 50% tiền giá giống, thức ăn và chuyển giao khoa học kỹ thuật trực tiếp cho các hộ tham gia mô hình.
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây con giống. Hội nông dân huyện phối hợp với các công ty như: Công ty phân bón Hà Anh cung ứng trên 470 tấn phân bón NPK. Các Công ty giống cung ứng giống lúa cho các xã với sản lượng 3 tấn, chủ yếu giống Khang dân, Q5, lúa chất lượng. Để giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn vốn và vật tư phục vụ sản xuất, hội nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng và PTNT thành lập 3 tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã Hoàng Diệu, Đức Xương, Phạm Trấn. Hội Nông dân huyện tham xây dựng kế hoạch vận động Quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn quỹ vốn được bảo tồn và tăng trưởng phát huy tác dụng, giúp đỡ các hộ nghèo phát triển sản xuất.
Theo ông Vũ Văn Cấp, Chủ tịch Hội nông dân huyện Gia Lộc cho biết: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân. Hội tiếp tục phối hợp với Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm; Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Miền Bắc mở rộng sản xuất Dưa Thanh Lê; Cây bí xanh số 2 và các loại cá giống mới. Tiếp tục phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, Viện khoa học, các cơ quan chuyên môn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân, đặc biệt là các giống, biện pháp canh tác, phân bón...Thực hiện Đề án "Hỗ trợ kinh phí phân bón cho các hộ nghèo tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2011-2015" của Hội nông dân tỉnh.
Hòa Thuận