Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Thị Kịch, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc.
Cơ quan chủ trì: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc.
Cơ quan phối hợp: HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc.
Thời gian thực hiện: năm 2003.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Sản xuất thử một số giống dưa hấu mới như Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh và dưa hấu không hạt của Đài Loan để xác định khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết, mức độ ô nhiễm, sâu bệnh, tiềm năng năng suất, hiệu quả kinh tế của các giống dưa trên so với các giống đang trồng trên địa bàn của huyện Gia Lộc.
- Bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật gieo trồng các giống dưa hấu này.
- Lựa chọn và đề xuất các giống dưa hấu tốt trong số các giống sản xuất thử để bổ sung vào danh mục các giống dưa hấu trồng trên địa bàn của tỉnh.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1. Địa điểm và quy mô thực hiện.
1.1. Địa điểm: xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc.
1.2. Quy mô thực hiện.
Bảng tổng hợp diện tích, loại giống và số hộ thực hiện sản xuất thử ở các vụ:
Giống
Vụ SX |
Tứ Lạc Linh |
Mỹ Linh |
Dưa không hạt |
Hưng Nông (đối chứng) |
Tổng số |
|||||
Số hộ |
Diện tích (m2) |
Số hộ |
Diện tích (m2) |
Số hộ |
Diện tích (m2) |
Số hộ |
Diện tích (m2) |
Số hộ |
Diện tích (m2) |
|
Vụ xuân |
14 |
5.040 |
10 |
3.980 |
2 |
960 |
3 |
1.080 |
19 |
11.060 |
Vụ hè |
14 |
5.040 |
10 |
3.980 |
2 |
960 |
3 |
1.080 |
19 |
11.060 |
Vụ hè thu |
14 |
5.040 |
10 |
3.980 |
2 |
960 |
3 |
1.080 |
19 |
11.060 |
Cộng |
14 |
15.120 |
10 |
11.940 |
2 |
960 |
3 |
3.240 |
19 |
33.180 |
2. Kết quả thực hiện.
2.1. Vụ xuân.
a. Đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất.
- Thời gian sinh trưởng: các giống dưa Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh có thời gian sinh trưởng tương đương giống dưa đối chứng (65 ngày), giống dưa không hạt Đài Loan có thời gian sinh trưởng dài hơn giống đối chứng 10 ngày.
- Độ bền thân lá: các giống thực hiện trong đề tài có độ bền thân lá bền hơn giống Hưng Nông.
- Độ dài thân chính: đều dài hơn giống đối chứng.
- Số lá bắt đầu ra hoa đực tương đương giống đối chứng, số lá bắt đầu ra hoa cái nhiều hơn giống đối chứng.
- Tổng số hoa cái trung bình trên cây của các giống đều nhiều hơn giống Hưng Nông, tổng số hoa đực trung bình trên cây có 2 giống cao hơn giống đối chứng, giống dưa không hạt thấp hơn giống đối chứng.
- Tỷ lệ đậu quả của giống Tứ Lạc Linh và giống Mỹ Linh cao hơn giống đối chứng. Riêng giống không hạt tỷ lệ đậu quả thấp hơn giống đối chứng.
- Mức độ nhiễm sâu bệnh: các giống dưa đều nhiễm sâu ở mức độ trung bình (đều nhiễm một số loại sâu chính: sâu ăn lá, đục quả...) và nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ hơn, nhất là các bệnh héo xanh, thối thân và thối quả - là các bệnh thường gây khó khăn trong việc phòng trừ bằng thuốc hoá học.
- Giống dưa Tứ Lạc Linh và Mỹ Linh có năng suất trung bình từ 25 - 27 tấn/ha, giống không hạt đạt gần 20 tấn/ha, thấp hơn so với giống Hưng Nông từ 5 - 7 tấn/ha.
Nhìn chung khả năng sinh trưởng và phát triển và tính chống chịu sâu bệnh của giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh cao hơn so với giống đối chứng, giống không hạt có một số chỉ tiêu không bằng đối chứng.
b. Đánh giá về chất lượng.
- Về hình dạng quả: các giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh có quả hình thoi dài, còn giống dưa không hạt có dạng quả tương đương như giống Hưng Nông - quả hình tròn. Độ cứng vỏ quả: giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh cứng hơn giống Hưng Nông.
- Về chất lượng: Các giống trong đề tài có chất lượng hơn hẳn so với giống đối chứng về các chỉ tiêu: có vỏ quả mỏng hơn, có độ đặc ruột, độ xốp thịt quả và độ đường cao hơn, màu sắc quả đỏ thắm hơn. Ngoài ra còn có mùi thơm và tỷ lệ nước cũng thấp hơn giống đối chứng.
c. Đánh giá hiệu quả kinh tế.
Chi phí cho 1 ha giống dưa Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh, dưa không hạt gần như tương đương nhau (20,66-20,7 triệu đồng/ha) và cao hơn giống đối chứng Hưng Nông trên 1 triệu đồng/ha (giống Hưng Nông chi phí 19,03 triệu đồng/ha). Năng suất các giống dưa mới cũng thấp hơn giống Hưng Nông từ 5 - 14 tấn/ha, nhưng giá bán cao hơn từ 900 - 2400 đồng/kg nên lãi/1 ha dưa Hưng Nông chỉ có 17,1 triệu đồng, cao nhất là Tứ Lạc Linh 30,9 triệu đồng, sau đó là Mỹ Linh 28,6 triệu đồng, dưa không hạt 25,6 triệu đồng.
2.2. Vụ hè.
a. Đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất.
- Giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn hơn giống đối chứng 3 - 5 ngày, giống không hạt dài hơn đối chứng 5 ngày.
- Độ dài thân chính: đều dài hơn giống đối chứng.
- Tỷ lệ đậu quả của giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh cao hơn giống đối chứng. Riêng giống không hạt tỷ lệ đậu quả thấp hơn giống đối chứng.
- Mức độ nhiễm sâu bệnh: Các giống dưa đều nhiễm sâu ở mức độ trung bình (đều nhiễm một số loại sâu chính: sâu ăn lá, đục quả...) còn đối với bệnh, các giống dưa mới nhiễm bệnh mức độ nhẹ hơn, nhất là các bệnh héo xanh, thối thân và thối quả.
Nhìn chung về khả năng sinh trưởng, phát triển và tính chống chịu sâu bệnh của các giống dưa mới cao hơn so với giống đối chứng. Năng suất trên 1 ha: các giống dưa mới: Tứ Lạc Linh 21,7 tấn, Mỹ Linh 19 tấn, không hạt 14 tấn; giống Hưng Nông 23 tấn. Riêng giống Hưng Nông gặp mưa nhiều thường dễ nổ, thối ảnh hưởng đến năng suất.
b. Đánh giá về chất lượng: (tương tự như vụ xuân).
c. Đánh giá hiệu quả kinh tế.
Các giống dưa mới như Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh có năng suất tương đương với Hưng Nông, nhưng giá bán của 1 kg dưa Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh từ 1.800 - 2.200 đồng/kg nên lãi trên 1 ha của giống Tứ Lạc Linh là 27 triệu đồng, Mỹ Linh 13 triệu đồng, giống Hưng Nông 4 triệu đồng. Riêng giống dưa không hạt năng suất thấp hơn giống Hưng Nông gần 9 tấn/ha, nhưng giá bán lại cao: 2.800 đồng/kg (dưa Hưng Nông 1.000 đồng/kg) nên lãi của 1 ha vẫn đạt cao: 19,2 triệu đồng (giống Hưng Nông lãi 1 ha: 4 triệu đồng).
2.3. Vụ hè thu.
a. Đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất.
- Tháng 8/2003, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 (lúc cây dưa bước vào thời kỳ sinh trưởng mạnh) nên đã ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của các giống dưa. Tuy nhiên 3 giống dưa mới, nhất là 2 giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh, vẫn sinh trưởng phát triển khá tốt, đặc biệt là khả năng phục hồi sau khi mưa bão, trong khi sinh trưởng của giống Hưng Nông giảm hẳn, nhiều cây bị chết dây, thời gian ra hoa chậm hẳn lại.
- Thời gian sinh trưởng: Ở vụ hè thu, cũng do tác động bởi thời tiết nên các giống dưa đều có thời gian sinh trưởng dài hơn trung bình 5 ngày so với vụ hè (khoảng 60 ngày với 2 giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh, 70 ngày đối với giống dưa không hạt, giống Hưng Nông là 70 ngày).
- Độ bền thân lá: 2 giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh có độ bền thân lá cao, giống Hưng Nông và dưa không hạt độ bền thân lá ngắn do bản lá to và dày, chịu ảnh hưởng nhiều hơn của mưa bão.
- Độ dài thân chính: đều dài hơn giống đối chứng, mặc dù không dài bằng vụ hè và vụ xuân.
- Số lá bắt đầu ra hoa đực và số lá bắt đầu ra hoa cái của giống Tứ Lạc Linh, Mỹ Linh thường thấp hơn so với giống dưa không hạt và giống đối chứng từ 1 - 3 lá.
- Tổng số hoa cái lúc rộ của các giống đều nhiều hơn giống Hưng Nông, tổng hoa đực lúc rộ đều cao hơn hoặc bằng giống đối chứng.
- Mức độ nhiễm sâu bệnh: Các giống dưa đều nhiễm sâu ở mức độ trung bình (đều nhiễm một số loại sâu chính: sâu ăn lá, đục quả...) và nhiễm bệnh mức độ nhẹ hơn, nhất là các bệnh héo xanh, thối thân và thối quả. Khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận: giống Tứ Lạc Linh chống chịu tốt, khả năng phục hồi sau khi gặp mưa bão nhanh và khoẻ nhất.
- Về năng suất trên 1 ha: Do ảnh hưởng của thời tiết, nên tất cả các giống dưa ở vụ hè thu đều bị giảm: giống Tứ Lạc Linh đạt 18,3 tấn, giống Mỹ Linh 19,1 tấn, giống không hạt 13,3 tấn, giống Hưng Nông 25,6 tấn.
b. Đánh giá chất lượng: (Tương tự như vụ xuân).
c. Đánh giá hiệu quả kinh tế:
Hạch toán kinh tế của các giống dưa: tính cho 1 ha.
Giá bán các giống dưa trên thị trường cao nhất là dưa không hạt 3.000 đồng/kg, sau đó là giống Tứ Lạc Linh 2.500 đồng/kg, Mỹ Linh 1.900 đồng/kg, giống Hưng Nông thấp nhất cũng chỉ có 1.300 đồng/kg. Mặc dù năng suất cao trên 1 ha giống Hưng Nông là cao nhất (25,6 tấn) nhưng lãi trên 1 ha chỉ đạt 14,3 triệu đồng, giống Tứ Lạc Linh 24,77 triệu đồng, giống không hạt 18,7 triệu đồng, giống Mỹ Linh 15,3 triệu đồng.
2.4. Đánh giá hiệu quả đề tài.
Qua 3 vụ sản xuất thử các giống dưa mới, đề tài đã rút ra một số nhận xét như sau:
Khả năng sinh trưởng phát triển của cả 3 giống dưa đều rất khoẻ, chống chịu cao đối với các điều kiện thời tiết bất thuận, sâu bệnh... và các khả năng này cao hơn so với giống dưa Hưng Nông là giống từ năm 2003 trở về trước được nông dân trồng nhiều.
Về năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế: Về năng suất, mặc dù đều không cao hơn so với giống Hưng Nông, song do có chất lượng cao hơn hẳn, giá bán trên thị trường cao nên giá trị sản xuất cao hơn so với giống Hưng Nông từ 10 - 15%.
Trong số 3 giống dưa mới trồng thử nghiệm, giống dưa Tứ Lạc Linh có khả năng sinh trưởng khoẻ nhất, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tốt nhất, chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa thích. Đối với giống dưa không hạt, mặc dù chất lượng rất tốt, song khi trồng cần quan tâm tới kỹ thuật ngâm ủ hạt giống, kỹ thuật thụ phấn để bảo đảm tỷ lệ nảy mầm và tỷ lệ đậu quả.
Về môi trường: Đây là giống dưa có vỏ quả cứng nên khả năng nhiễm sâu, bệnh ít hơn các giống đối chứng và ít hơn một số cây trồng khác vì vậy việc sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có giảm đáng kể, do đó sẽ giảm việc môi trường bị ô nhiễm do dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Giống dưa mới có thể tiêu thụ được trên phạm vi rộng, vì chất lượng cao, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, do giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao hơn nhiều so với các giống dưa khác, nên nhân dân huyện Gia Lộc nói riêng và một số huyện trong tỉnh nói chung (Kim Thành, Nam Sách...) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một số diện tích cây lúa và diện tích gieo trồng các cây rau quả khác sang trồng dưa hấu, góp phần giảm hộ nghèo và tăng tỷ lệ hộ giàu trong các huyện.