Mô hình ứng dụng TBKT chăn nuôi, trồng trột, thuỷ sản

DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG TBKT VỀ TRỒNG TRỌT, CHĂN NUÔI, THUỶ SẢN VÀO XÃ NGHÈO VÙNG SÂU, VÙNG XA ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Chủ nhiệm đề tài: Th.S Nguyễn Văn Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương; Viện Chăn nuôi, Cục Khuyến nông - Khuyến lâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I - Bộ Thuỷ sản.

Thời gian thực hiện: 1/2003 - 12/2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

- Xây dựng mô hình áp dụng TBKT về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản vào xã nghèo vùng sâu, vùng xa để khi kết thúc dự án sẽ giảm được ít nhất 20% hộ nghèo, hộ trung bình tăng 30%, hộ khá giàu tăng 20%.

- Góp phần nâng cao hiểu biết cho các hộ nông dân nói chung, các hộ tham gia dự án nói riêng về kiến thức khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp.

- Là điểm trình diễn về áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần xoá đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa để các nơi học tập nhân ra diện rộng.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra thực trạng kinh tế xã hội 2 xã thực hiện dự án.

- Địa điểm điều tra: xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng và xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện.

- Nội dung điều tra: Tiến hành điều tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã để có căn cứ tổ chức triển khai dự án nhằm đạt kết quả cao nhất, với 800 hộ được điều tra, bằng 26,5% tổng số hộ của 2 xã. Trong đó, có 400 hộ nghèo, 250 hộ trung bình và 150 hộ khá - giàu. Qua điều tra, đã kết luận nguyên nhân tồn tại trong sản xuất nông nghiệp và để giúp giảm hộ nghèo, tăng hộ khá - giàu phải tổ chức đồng bộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản; bố trí 50% hộ nghèo, 30% hộ trung bình, 20% hộ khá - giàu tham gia dự án. Mỗi hộ phải thực hiện một trong 5 công thức bố trí sản xuất sau đây:

2 vụ lúa + vụ đông + nuôi ngan Pháp (hoặc vịt siêu thịt).

2 vụ lúa + vụ đông + nuôi gà Lương Phượng.

2 vụ lúa + vụ đông + nuôi cá thịt.

2 vụ lúa + nuôi gia cầm + nuôi cá thịt.

2 vụ lúa + nuôi gia cầm + chăn nuôi khác.

2. Xây dựng mô hình áp dụng TBKT về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản để phát triển kinh tế của 2 xã: Ngô Quyền, huyện Thanh Miện và Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng.

- Tổng số hộ tham gia dự án: 624 hộ.

- Tổ chức áp dụng TBKT về trồng trọt: gieo cấy 187,07 ha lúa cấy Thiên hương và Bắc thơm số 7, đạt 129% so với kế hoạch; trồng 45 ha ngô lai MX2; trồng 5 ha đậu tương DT96-02.

- Tổ chức áp dụng TBKT về chăn nuôi gia cầm: đưa vào nuôi 12.957 con gà Lương Phượng (trong đó, gà bố mẹ sinh sản 360 con), ngan Pháp R51 thương phẩm 7.684 con, ngan lai vịt 1.500 con, vịt siêu thịt 3.850 con.

- Áp dụng các TBKT trong chăn nuôi gia súc: Mua 4 con lợn đực Yorshire. Trong 2 năm 2003-2004 đã phối được 1.430 con nái, tỷ lệ thụ thai đạt 95 - 96%; 2 bò đực lai Sind 3/4 máu ngoại để góp phần cải tạo đàn bò của xã Ngô Quyền.

- Tổ chức áp dụng các TBKT về thuỷ sản: nuôi 24.000 con cá rô phi đơn tính, 5.000 con chép lai 3 máu. Diện tích nuôi cá thịt 45 ha.

Các TBKT nêu trên được tập huấn chuyển giao các quy trình sản xuất tới 624 hộ nông dân tham gia dự án và tuyên truyền, phổ biến cho tất cả nhân dân của 2 xã. Vốn KHCN đầu tư thấp: 270 triệu đồng, bằng 3,49% tổng số vốn đầu tư của Dự án trong 2 năm. Còn lại là vốn do dân tự đầu tư. Tập huấn kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, được cán bộ và nhân dân địa phương đồng tình hưởng ứng. Giá trị thu nhập của dự án đem lại cho nông dân 2 xã là rất lớn (3.367,7 triệu đồng), góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Giá trị thu nhập bình quân đầu người của xã Ngô Quyền: 4.375.000 đồng năm 2002 tăng lên 4.930.000 - 5.120.000 đồng/năm 2003-2004; xã Thạch Lỗi: 3.500.000 đồng/năm 2002 lên 4.000.000 đồng năm 2003-2004.

Dự án mở rộng diện tích lúa thơm chất lượng cao từ 46,5 ha năm 2003 lên 140,57 ha năm 2004, tạo ra 250 tấn thóc hàng hoá/năm. Số hộ chăn nuôi gia cầm giống mới năm 2003 có 138 hộ, năm 2004 là 243 hộ; năng suất cá thịt cao hơn trước khi thực hiện dự án là 11 - 14,3 tấn/ha.

3. Xây dựng mô hình giảm nghèo, làm giàu chính đáng ở nông thôn.

Đã bố trí công thức sản xuất phù hợp cho từng nhóm hộ để mỗi gia đình nghèo, trung bình, khá, giàu thực hiện công thức với 2-3 nội dung. Năm 2003 theo dõi chi tiết 111 hộ, trong đó có 56 hộ nghèo, 36 hộ trung bình, 19 hộ khá và giàu. Năm 2004 theo dõi 250 hộ, trong đó có 165 hộ nghèo, 55 hộ trung bình, 30 hộ khá và giàu.

3.1. Kết quả năm 2003:

+ Xã Ngô Quyền: 34 hộ nghèo trong diện theo dõi tham gia dự án có 16 hộ thoát nghèo, chiếm 47%.

Công thức sản xuất:

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gà (hoặc ngan): 10/34 hộ thoát nghèo, chiếm 29,4%.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm + nuôi cá: 6/34 hộ thoát nghèo, chiếm 17,6%.

+ Xã Thạch Lỗi: có 9 trong số 22 hộ thoát nghèo, chiếm 50%.

Công thức sản xuất:

2 vụ lúa + chăn nuôi gia cầm: 1/22 hộ thoát nghèo, chiếm 4,5%.

2 vụ lúa + chăn nuôi gia cầm + nuôi cá: 4/22 hộ thoát nghèo, chiếm 18%.

2 vụ lúa + chăn nuôi lợn + nuôi cá: 2/22 hộ thoát nghèo, chiếm 9%.

2 vụ lúa + chăn nuôi bò + nuôi cá: 1/22 hộ thoát nghèo, chiếm 4,5%.

3.2. Kết quả năm 2004:

+ Xã Ngô Quyền: trong số 100 hộ nghèo thuộc diện tham gia dự án có 31 hộ thoát nghèo, chiếm 31%.

Công thức sản xuất:

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi lợn thịt + chăn nuôi gia cầm: 13/100 hộ thoát nghèo, chiếm 13%.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi lợn (nái, thịt) + chăn nuôi gia cầm: 10/100 hộ thoát nghèo, chiếm 10%.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi lợn thịt + nuôi cá: 8/100 hộ thoát nghèo, chiếm 8%.

+ Xã Thạch Lỗi: có 17 trong 65 hộ thoát nghèo, chiếm 26%

Công thức sản xuất:

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm + nuôi cá: 11/65 hộ thoát nghèo, chiếm 17%.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm + chăn nuôi lợn: 3/65 hộ thoát nghèo, chiếm 4,6%.

2 vụ lúa + chăn nuôi bò + chăn nuôi cá: 1/65 hộ thoát nghèo, chiếm 1,5%.

Qua các công thức nêu trên có thể rút ra các công thức bố trí sản xuất để giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu là:

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm + nuôi cá.

2 vụ lúa + vụ đông + chăn nuôi gia cầm + nuôi cá + chăn nuôi khác.

Như vậy, dự án đã góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu ở địa phương, cụ thể:

Giảm nghèo: xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện hộ nghèo giảm từ 13% (2002) xuống còn 6% năm 2004; xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng hộ nghèo 16% (2002) xuống còn 6,4% năm 2004. Dự án góp phần giảm được 73 hộ thoát nghèo trở thành hộ trung bình. Trong đó, Ngô Quyền có 47 hộ, Thạch Lỗi có 26 hộ, đạt 27% số hộ tham gia dự án.

Tăng hộ khá và giàu: hộ trung bình vươn lên thành hộ khá và giàu 24 hộ (Ngô Quyền: 14 hộ, Thạch Lỗi: 10 hộ).

Tạo việc làm: đã tạo thêm việc làm cho 200-250 lao động tham gia nuôi cá, chăn nuôi gia cầm, trồng cây vụ đông có thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/tháng.

Sau 2 năm thực hiện dự án, với các kết quả đạt được như trên đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả dự án đã được Đảng, chính quyền của 2 xã nói riêng, của 2 huyện nói chung tuyên truyền, phổ biến chỉ đạo áp dụng rộng vào sản xuất, nhất là các công thức luân canh đã được dự án tổng kết là có hiệu quả kinh tế, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đồng thời, kết quả trên còn được Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tuyên truyền, quảng bá rộng trong tỉnh để mọi người, mọi nơi học tập áp dụng.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây