Mô hình trồng Ngô mật độ cao

ĐỀ TÀI THỰC HIỆN MÔ HÌNH TRỒNG NGÔ MẬT ĐỘ CAO THEO PHƯƠNG PHÁP ĐẶT BẦU CHỈNH TÁN LÁ

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Chủ nhiệm đề tài: KS. Hoàng Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng TBKH.

Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND các huyện: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Nam Sách, Kim Thành, Chí Linh, Kinh Môn.

Thời gian thực hiện: 2004 - 2005.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng thử công nghệ trồng ngô mật độ cao để hoàn thiện quy trình kỹ thuật và là điểm trình diễn để có cơ sở mở rộng diện tích vào các năm sau.

- Mở rộng áp dụng công nghệ trồng ngô mật độ cao theo phương pháp đặt bầu chỉnh tán lá cho hộ nông dân các huyện trong tỉnh nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất ngô vụ đông.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Giới thiệu sơ lược về công nghệ trồng ngô mật độ cao.

Phương pháp trồng ngô mật độ cao của 2 tác giả Chu Văn Tiệp và Trịnh Thị Thanh, nguyên là cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2002 và được giải thưởng Vifotex Việt Nam năm 2004. Đặc điểm nổi bật của công nghệ này là trồng ngô mật độ cao (8 - 10 vạn cây/ha) kết hợp điều chỉnh tán lá và giãn khoảng cách hàng (lên đến 90 cm so với 70 cm theo quy trình khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho phép tăng đột biến mật độ từ 70 - 75% trở lên, dẫn đến tăng năng suất 40 - 50%, tương ứng với 5 triệu đồng/ha.

Được sự giúp đỡ của Vụ Khoa học Công nghệ và một số đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tác giả đã triển khai một số thực nghiệm ở các tỉnh Sơn La, Thanh Hoá, Hoà Bình và Hải Dương.

2. Kết quả thử nghiệm trồng ngô mật độ cao theo phương pháp đặt bầu chỉnh tán lá vụ xuân năm 2004.

- Diện tích trồng: 600 m2.

- Giống ngô: Bioseeds-9681, LVN-4, LVN-99.

- Địa điểm: Tại vườn thực nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ.

- Các biện pháp kỹ thuật: Thực hiện theo quy trình của nhà sản xuất giống (được ghi trên bao bì); lượng phân bón tăng 25% so với quy trình; mật độ trồng 8 - 9 cây/m2, mật độ đối chứng 4 - 5 cây/m2 (đối chứng: 3 giống ngô nói trên, chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình của nhà sản xuất giống).

- Kết quả năng suất ngô trồng mật độ cao tăng hơn trồng mật độ thấp 30%.

3. Kết quả mở rộng mô hình trồng ngô mật độ cao theo phương pháp đặt bầu chỉnh tán lá tại một số huyện trong tỉnh.

3.1. Vụ đông năm 2004.

- Diện tích trồng: 8 ha.

- Số hộ nông dân tham gia: 44 hộ.

- Giống ngô: LVN-4, LVN-99, nếp Nù.

- Địa điểm: Xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ; xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện.

- Các biện pháp kỹ thuật: Thực hiện theo quy trình của nhà sản xuất giống (được ghi trên bao bì); lượng phân bón tăng 20% so với quy trình; mật độ trồng 7 - 9 cây/m2, mật độ đối chứng 4 - 5 cây/m2 (đối chứng: 3 giống ngô trên, chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình của nhà sản xuất giống).

- Kết quả năng suất ngô bình quân trên toàn mô hình tăng 25% so với trồng ngô theo phương pháp cũ (mật độ thấp 4 - 5 cây/m2).

3.2. Vụ đông năm 2005.

- Quy mô: 234 ha. Trong đó, các huyện: Tứ Kỳ 19 ha, Gia Lộc 10 ha, Kim Thành 45 ha, Kinh Môn 15 ha, Nam Sách 70 ha, Chí Linh 15 ha, Thanh Miện 60 ha.

- Giống ngô: Bioseeds-9999, Bioseeds-9681, nếp Nù, ngô ngọt của Đài Loan, 919 của Thái Lan, MX4, MX2, 963, LVN4, P963; đối chứng cùng giống trồng ở mật độ thấp 3,8 - 4 cây/m2.

- Kết quả xây dựng mô hình:

+ In sao 10 nghìn tài liệu, 60 đĩa CD phát cho 7 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng ngô mật độ cao theo phương pháp đặt bầu chỉnh tán lá. Đồng thời, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn trực tiếp quy trình kỹ thuật cho 20 xã, 2.620 hộ nông dân thực hiện mô hình.

+ Theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của ngô mật độ cao:

Ngày gieo hạt và vào bầu ngô: Từ 22 - 26/9/2005.

Ngày trồng bầu ra ruộng: Từ 27/9 - 1/10/2005.

Ngày trỗ cờ phun râu: Từ 15 - 20/11/2005.

Thời gian thu hoạch bắp: Từ 15 - 22/01/2006.

Thời gian sinh trưởng với các giống ngô trung ngày: Từ 110 - 115 ngày.

Thời gian sinh trưởng với các giống ngô ngắn ngày: Từ 90 - 95 ngày.

+ Theo dõi tình hình sâu bệnh:

Diện tích trồng ngô mật độ cao bị rệp muội trích hút nhựa lá và bệnh khô vằn xuất hiện sớm và với mật độ cao hơn so với diện tích trồng ngô theo phương pháp cũ (mật độ 3,8 - 4 cây/m2). Các hộ nông dân đã phun thuốc kịp thời nên sâu bệnh đã không ảnh hưởng đến năng suất ngô thử nghiệm.

+ Theo dõi đánh giá năng suất:

Đề tài đã được thực hiện ở 13 xã của 7 huyện trong tỉnh: xã Minh Đức, Đại Hợp (Tứ Kỳ); Gia Lương, Hoàng Diệu, Hồng Hưng (Gia Lộc); Hoàng Hoa Thám (Chí Linh); Cộng Hoà, Nam Hưng, Nam Tân (Nam Sách); Lê Ninh (Kinh Môn); Cổ Dũng, Đại Đức, Kim Xuyên (Kim Thành). Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất ngô thử nghiệm và ngô đối chứng ở từng giống trên các điểm có sự khác nhau. Dưới đây là kết quả theo dõi tại 4 điểm thuộc 2 huyện Nam Sách và Tứ Kỳ (xem bảng trang sau):

Các chỉ tiêu

Số bắp/m2

Số hạt chắc/ bắp

P1000 hạt (gram)

Năng suất lý thuyết

(tạ/ha)

Năng suất thực tế

(tạ/ha)

Nam Hưng - Nam Sách

- Diện tích thử nghiệm

- Diện tích đối chứng

6,5

4,0

448

490

265

265

71,2

52,0

61,9

48,0

Nam Tân - Nam Sách

- Diện tích thử nghiệm

- Diện tích đối chứng

6,0

4,0

441

476

265

265

70,1

50,5

60,9

47,5

Cộng Hoà - Nam Sách

- Diện tích thử nghiệm

- Diện tích đối chứng

6,0

4,0

420

469

265

265

66,8

49,7

59,5

47,5

Đại Hợp - Tứ Kỳ

- Diện tích thử nghiệm

- Diện tích đối chứng

6,1

4,3

383

408

265

265

62,3

47,1

58,2

44,9

Nhận xét:

Xã Nam Hưng mật độ trồng đạt 7 cây/m2 (70.000 cây/ha), năng suất bắp đạt 6,5 bắp/m2, năng suất thực tế đạt 61,9 tạ/ha, tăng so với đối chứng 13,9 tạ/ha. Xã Đại Hợp thu 6,1 bắp/m2, năng suất thực thu đạt 58,2 tạ/ha, tăng so với đối chứng 13,3 tạ/ha. Hai xã còn lại thu 6 bắp/m2, năng suất thực thu đạt 59,5 - 60,9 tạ/ha, tăng so với đối chứng từ 12,0 - 13,4 tạ/ha.

Các xã tham gia mô hình đều có mật độ trồng chưa đúng yêu cầu kỹ thuật, chỉ đạt khoảng 6 - 6,5 cây/m2 (mật độ trồng theo quy trình mật độ cao: từ 7 - 9 cây/m2). Nguyên nhân do thời tiết vụ đông năm 2005 không thuận lợi, đầu vụ có mưa nhiều, gây khó khăn cho việc làm đất, lên luống, mặt khác do các hộ nông dân chưa thực hiện đúng kỹ thuật trồng ngô mật độ cao theo quy trình hướng dẫn nên năng suất bình quân của diện tích ngô trong mô hình thử nghiệm chỉ tăng so với đối chứng 20 - 23%, thấp hơn nhiều so với kết quả thử nghiệm năm 2004 (năng suất tăng so với đối chứng từ 25 - 30%).

Qua thử nghiệm xây dựng mô hình đã kết luận được: Các giống ngô ngắn ngày như nếp lai số 2, nếp Nù... phù hợp với phương thức trồng mật độ cao, các giống ngô trung ngày (LVN-4, LVN-99, BI-9999, BI-9681) nên trồng ở mật độ phù hợp 6,5 - 7 cây/m2 sẽ cho hiệu quả cao.

+ Đánh giá hiệu quả kinh tế: (xem bảng)

Chỉ tiêu

Mật độ 4-5 cây/m2

Mật độ 7 cây/m2

Mật độ 8-9 cây/m2

- Năng suất (tạ/ha)

52,02

67,06

82,11

- Tổng thu( đồng)

14.607.000

18.331.500

23.055.600

- Tổng chi (đồng)

13.083.000

15.555.500

17.166.600

Lãi (đồng)

1.524.000

3.276.000

5.889.000

- So sánh:

+ (%)

100

214,96

386,42

+ Giá trị

-

1.752.000

4.365.000

Nhận xét:

Ngô trồng ở mật độ cao (8 - 9 cây/m2) có năng suất đạt cao nhất (82,11 tạ/ha), lãi 5.889.000 đồng/ha, tăng so với mật độ đối chứng (4 - 5 cây/m2) 4.365.000 đồng/ha.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Nhận thức của các hộ nông dân về phương pháp canh tác mới: "trồng ngô mật độ cao theo phương pháp đặt bầu chỉnh tán lá" đã được nâng cao, nhưng mức độ áp dụng còn hạn chế do các hộ nông dân đã quen với tập quán canh tác cũ, mật độ trồng chỉ đạt khoảng từ 4 - 6,5 cây/m2, vì vậy kết quả của đề tài đã không mở rộng được.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây