Áp dụng TBKT để nhân giống vải Thiều bằng phương pháp ghép

DỰ ÁN NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI VÀ ÁP DỤNG TBKT ĐỂ NHÂN GIỐNG VẢI THIỀU BẰNG PHƯƠNG PHÁP GHÉP, KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG RA QUẢ CÁCH NĂM, MỞ RỘNG THÂM CANH TĂNG NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG VẢI THIỀU ĐẶC SẢN

Chủ nhiệm dự án: KS. Hoàng Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.

Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh và UBND xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/1997 - 7/1999.

Dự án được tổng kết sau khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Tiếp thu công nghệ ghép vải đạt tỷ lệ cây sống 40 - 50 %

- Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các TBKT để thâm canh tăng năng suấtvà phẩm chất vải thiều đặc sản, khắc phục hiện tượng cây vải ra quả cách năm.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tiếp thu công nghệ ghép vải.

Trung tâm Ứng dụng TBKH và Xí nghiệp giống lúa Nam Sách tiếp thu công nghệ ghép vải do chuyên gia của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chuyển giao trong quá trình thực hiện dự án và đã đào tạo được 3 cán bộ kỹ thuật. Kết quả ghép vải như sau:

- Số lượng gốc ghép: 3.200 cây vải chua độ tuổi từ 12 - 18 tháng, đường kính gốc đạt từ 1- 1,5 cm, ươm tại Xí nghiệp giống lúa Nam sách và vườn ươm của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Sau khi ươm 60 - 90 ngày tiến hành ghép. Lúc này chất lượng cây gốc ghép đảm bảo độ tuổi, đường kính, nồng độ nhựa trong thân cây dồi dào, tỷ lệ ghép sống cao, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

- Chồi ghép lấy tại các cây vải thiều vùng vải Thanh Hà có ưu điểm: ra quả đều trong các năm, năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt. Vì mắt, chồi ghép quyết định chất lượng của cây vải ghép nên phải chọn mắt, chồi ghép ở cây bánh tẻ có độ tuổi 5 - 10 năm; cắt vào tháng 4 sẽ có khả năng tiếp hợp lớn, khi ghép đạt tỷ lệ sống cao.

- Thời gian và kết quả ghép vải:

+ Tháng 10/1997 ghép được 1.975 cây, số cây sống là 642 cây, đạt 32,5%.

+ Tháng 4/1998 ghép được 200 cây, số cây ghép sống: 90 cây (45%).

+ Tháng 8/1998 ghép được 1000 cây, số cây ghép sống: 390 cây (39%).

Vụ xuân năm 1999, khi cây đạt chiều cao 15 - 20 cm, bộ rễ phát triển ổn định đã đưa 251 cây đi trồng trên một số vùng sinh thái trong tỉnh như Chí Linh, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách để theo dõi khả năng sinh trưởng của cây. Kết quả, tỷ lệ cây sống đạt 100%.

2. Nghiên cứu khắc phục hiện tượng cây vải thiều ra quả cách năm.

2.1. Điều tra tính cách năm và mối gây hại.

Qua điều tra 79 hộ thuộc 2 xã Thanh Bính (Thanh Hà), Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) cho thấy, hiện tượng cây vải thiều ra quả cách năm tương đối phổ biến, ở những cây vải có độ tuổi cao từ 20 - 40 tuổi (xã Thanh Bính) là 23%. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là cây vải bị thiếu dinh dưỡng, mối gây hại làm ảnh hưởng bộ rễ (tại xã Hoàng Hoa Thám vải mới trồng mối gây hại 40%, cây vải có độ tuổi cao ở xã Thanh Bính mối gây hại 90%).

2.2. Tình hình chăm sóc cây vải của các hộ nông dân.

Về chăm bón, ở xã Thanh Bính có khả năng thâm canh cao hơn các hộ ở Hoàng Hoa Thám, song nhìn chung các hộ chỉ chăm sóc theo kinh nghiệm: bón bùn ao cho cây vải sau khi hái quả với độ dày 2 - 3cm; 50% hộ nông dân có bón phân chuồng và một ít phân đạm, phân lân, 10% hộ phun thuốc Dipterex trừ bọ xít, phun Boocđô phòng bệnh sương mai, phun Wofatox diệt trừ một số loại sâu hại khác; đốn tỉa một số cành trong tán để thông thoáng cây; phun chế phẩm kích thích cho cây vải để tăng khả năng đậu quả. Trong các hộ điều tra, chưa có hộ nào bón phân kali cho cây vải sau khi thu hoạch quả và sử dụng chất vi sinh diệt mối hại cây vải. Khi thu hoạch các hộ thường bẻ chùm quả rất sâu, các lá công năng có sức quang hợp lớn cũng bị bẻ theo chùm quả, ảnh hưởng đến phát lộc ra quả năm sau.

2.3. Kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục hiện tượng cây vải ra quả cách năm.

Đã nghiên cứu thí điểm thực hiện các giải pháp khắc phục hiện tượng cây vải ra quả cách năm ở trên 100 cây vải điển hình ra quả cách năm tại 2 xã: Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) và Thanh Bính (Thanh Hà).

- Kết quả sử dụng phân vi sinh diệt mối và chế phẩm đậu hoa quả: trên 80% số cây vải phục hồi, phát triển bình thường, ra hoa, kết quả.

- Kết quả phun chế phẩm đậu quả của Trường Đại học Nông nghiệp I: Phun chế phẩm đậu quả cho các cây vải tại 2 xã: Thanh Bính (Thanh Hà) và Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) vào thời kỳ hoa nở rộ và có quả non đã hạn chế rụng quả non, tăng tỷ lệ đậu quả trên những cây thí nghiệm từ 2-3%. Chế phẩm còn có tác dụng kích thích quả mau lớn. Trọng lượng 100 quả ở những cây có phun chế phẩm đậu hoa quả tăng 10% so với quả ở những cây đối chứng.

- Kết quả áp dụng TBKT khắc phục cây vải ra quả cách năm:

Kết quả năm 1998 (100 cây)

Kết quả năm 1999 (100 cây)

+ Cây cho quả: 82 cây (82%)

+ Cây cho quả: 98 cây (98%)

+ Cây không cho quả: 18 cây (18%)

+ Cây không cho quả: 2 cây (2%)

+ Sản lượng thu được: 3.681kg

+ Sản lượng thu được: 12.190kg

+ Năng suất quả bình quân/1 cây: 44,9kg

+ Năng suất quả bình quân/1 cây: 124,4kg

3. Khắc phục hiện tượng cây vải thiều chết rũ.

Hiện tượng bệnh chết rũ vải thiều xuất hiện từ năm 1997, chủ yếu với loại vải thiều được trồng trên các nền đất có thành phần cơ giới cát pha trên vườn đồi và đất thịt nặng trên đất đồng bằng. Ở huyện Thanh Hà, đến tháng 2/1998 có 500 cây bị chết, huyện Chí Linh tính đến 31/12/1997 có trên 3000 cây vải chết rũ. Cây có tuổi từ 5-10 năm.

Trong quá trình thực hiện dự án đã áp dụng các giải pháp khắc phục hiện tượng cây vải thiều chết rũ (của đề tài nghiên cứu bệnh chết rũ cây vải thiều) cho 75 cây ở xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh và xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà bằng các biện pháp kỹ thuật sau:

- Tỉa bớt cành, tuốt bớt lá bệnh, đào đất xung quanh gốc để lộ cổ rễ lớn, tưới hỗn hợp boóc đô 1-2% với liều lượng 5-10 lít/1 cây (tuỳ theo tuổi cây).

- Tiêm trực tiếp thuốc kháng sinh Phosacid vào thân cây bị bệnh với liều lượng 25 ml/1 cây, tiêm 2 đợt/năm. Đợt 1 vào tháng 7- 8, đợt 2 vào tháng 10 - 11/1999.

- Tưới Bavistin FL vào gốc cây vải bị bệnh với nồng độ dung dịch 3%.

- Phun hoặc tưới thuốc Oncol 20 ND để trừ tuyến trùng phá hoại rễ vải.

- Phun phòng trừ sâu hại cây bằng thuốc trừ sâu sinh học Delphin.

- Dùng thuốc điều tiết sinh trưởng cho cây sau khi phục hồi bằng Atonik phân bón lá Thiên nông, phân vi sinh, v.v...

Sau khi áp dụng các giải pháp trên, kết quả so với đối chứng chưa rõ.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Các kết quả thực hiện quy trình chăm sóc, thu hoạch, phòng chống mối, phun chế phẩm kích thích cho cây vải được người nông dân trồng vải trong toàn tỉnh áp dụng, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng vải.

Một số biện pháp chống bệnh chết rũ cho cây vải thiều được triển khai để phòng bệnh là chính, khi cây bị bệnh thường đốn tỉa hoặc loại bỏ thay thế.

Tuy nhiên, công nghệ ghép vải chưa triển khai rộng trong sản xuất.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây