Phòng và chữa bệnh chết rũ của Cây Vải

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA VÀ ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH CHẾT RŨ CỦA CÂY VẢI

Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 4 đến tháng 12/1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. Mục tiêu

- Điều tra hiện trạng chết rũ vải thiều ở một số huyện của tỉnh Hải Dương.

- Xác định nguyên nhân gây bệnh, tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát sinh, phát triển và gây hại của bệnh.

- Đề xuất một số giải pháp kỹ thuật để khắc phục bệnh chết rũ trên cây vải.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả điều tra hiện trạng bệnh chết rũ trên cây vải thiều.

Đã điều tra ở 8 xã: Thanh Bính, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tiền Tiến (Thanh Hà); Lê Lợi, Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám (Chí Linh); Lê Ninh (Kinh Môn) với tổng diện tích trồng vải là 2.115 ha, trong đó có 1.910 ha vải thiều, 205 ha vải lai; điều tra trực tiếp 163 hộ với tổng số 10.897 cây, trong đó có 10.347 cây vải thiều, 550 cây vải lai; số cây bị nhiễm bệnh và chết là 768 cây, chiếm tỷ lệ 7,1%, trong đó có 445 cây đã chết.

- Cây chết thường ở độ tuổi 5 - 10 năm và tập trung ở giống vải thiều, giống vải lai, vải chua rất ít bị bệnh.

- Bệnh phát sinh gây hại mạnh đối với cây vải được trồng chủ yếu trên đất thịt và đất cát pha.

- Hiện tượng cây chết rũ: Toàn bộ tán lá bị héo, chết treo trên cây, vỏ thân và cành cây bị bệnh bị khô chậm hơn, phần cổ rễ và phần thân các rễ nhánh có vỏ bị biến màu đen hoặc nâu đen. Các rễ nhỏ và rễ tia của cây bệnh cũng biến màu nâu hoặc đen, dễ đứt vụn. Ngoài ra, bệnh còn thể hiện dưới dạng toàn bộ hoặc một phần tán lá bị chuyển từ mặt lá láng bóng sang xanh lợt, xanh vàng, xỉn màu. Ở những cây có biểu hiện biến màu lá sinh trưởng kém, ít nảy lộc vào mùa thu hoặc ít hoa và hình thành quả kém. Đối với những cây có biểu hiện thay đổi sắc lá màu của rễ ít thay đổi.

- Nguyên nhân cây vải chết rũ:

Qua phân tích mẫu trên cây bị bệnh của các Viện Bảo vệ thực vật (đã được Viện Nghiên cứu Vi sinh vật Quốc tế giám định) cho thấy, trên rễ cây bệnh có một số loại nấm gây bệnh như: Nấm Fusanrium solani, xuất hiện với tần suất cao: 80%; nấm Phytophthora: 5%; nấm Rhizoctonia: 5%; nấm Cylindrocladium: 10%.

Nguyên nhân phát bệnh có thể do chăm sóc không đúng kỹ thuật như:

+ Tưới phân chuồng tươi có nồng độ cao, dùng phân vô cơ nhiều và mất cân đối làm giảm khả năng đề kháng của cây.

+ Trồng quá sâu hoặc thoát nước không tốt nên rễ bị thối hoặc không phát triển được.

+ Do nền đất trồng khó thoát nước, đất không thoáng khí đã ảnh hưởng đến trao đổi chất giữa bộ rễ cây và dinh dưỡng trong đất.

- Ảnh hưởng của bệnh đến một số chỉ tiêu và năng suất:

Tác hại của bệnh ở mức độ khác nhau: cây chết hẳn không có khả năng hồi phục; các cây bị bệnh từ trung bình đến nặng, các chỉ tiêu cấu thành năng suất đều giảm rõ rệt, dẫn đến thất thu lớn.

Bảng theo dõi ảnh hưởng của bệnh đến một số chỉ tiêu và năng suất (kg/cây) đối với cây vải thiều 7 - 8 tuổi trồng ở xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh:

Mức độ bệnh

Khả năng

bật lộc thu (%)

Khả năng ra hoa, đậu quả (%)

Năng suất (kg/cây)

- Bệnh nhẹ

80

40

25,0

- Bệnh trung bình

40

10

7,0

- Bệnh nặng

20

2

0,0

- Cây khoẻ

100

70

65,0

2. Đề xuất giải pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh chết rũ cho cây vải thiều.

- Biện pháp canh tác:

+ Bới đất để lộ phần cổ rễ, bán kính 5 - 10 cm cách gốc.

+ Xẻ rãnh tạo thoát nước cho cây.

+ Đốn tỉa cành để hạn chế thoát hơi nước, tạo điều kiện cho bộ rễ chóng phục hồi.

+ Sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng Atonik, nồng độ 0,3% phun vào 2 thời kỳ khi cây phát lộc và khi lộc non chuyển bánh tẻ.

+ Bón bổ sung nấm đối kháng Trichoderma.

- Biện pháp xử lý thuốc hoá học phòng trừ bệnh chết rũ cho cây vải:

+ Sử dụng thuốc trừ nấm bệnh Bavistin 50FL, nồng độ 0,1% tưới vào gốc cây, liều lượng nước thuốc 10 lít/cây.

+ Tiêm thuốc Phasacid trực tiếp vào cây bệnh, bằng cách: Dùng khoan khoan 1 lỗ sâu 2 - 3 cm vào thân cây bệnh, sau dùng bơm tiêm bơm trực tiếp thuốc Phosacid với liều lượng 20 ml/cây.

Trong quá trình xử lý hoá chất phòng trừ nấm bệnh cần kết hợp phòng trừ các loại sâu gây hại trên cây vải như: Sâu tiện vỏ, cành, nhện lông nhung hại lá, tuyến trùng gây hại rễ bằng các thuốc hoá học, như: Delphin, Oncol. Pegasus...

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Số liệu điều tra về bệnh chết rũ ở cây vải thiều là những tư liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu sâu về cây vải. Các giải pháp hạn chế khả năng bệnh chết rũ ở cây vải thiều được đưa vào áp dụng thử trong dự án khác. Tuy nhiên, một số giải pháp triển khai hiệu quả không cao.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây