Thanh Hà mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP

Thanh Hà mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP

Tính đến tháng 5/2014, huyện Thanh Hà đã xây dựng vùng sản xuất vải thiều VietGAP tại các xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thủy với diện tích 100 ha. Ngoài ra, xã Thanh Xá cũng áp dụng quy trình sản xuất vải thiều VietGAP diện tích 28 ha và huyện đã hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình VietGAP với diện tích 1000 ha tại các địa phương trong toàn huyện Thanh Hà.


Tập trung nguồn lực đầu tư chăm sóc cây vải

Tháng 8  năm 2013, dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap xã Thanh Xá” được triển khai trên quy mô 28 ha vải do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 14,8 tỷ đồng. Các hạng mục được hỗ trợ gồm đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; nhà kho; hố thu gom rác thải; trang thiết bị quản lý chất thải, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Ban Quản lý dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất vải theo hướng VietGap với hơn 400 lượt người tham gia. Ông Phạm Quốc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết: “Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, vùng vải sạch lại được tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, tưới tiêu nên sản xuất vải thuận lợi. Nông dân có nơi tập kết vải rộng rãi, có khu sơ chế an toàn, bảo đảm môi trường, được trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nên sẽ bảo đảm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ngoài các hộ nằm trong mô hình, nhiều người trồng vải khác cũng áp dụng quy trình này vào sản xuất vải. Qua dự án, nông dân quan tâm hơn về sản xuất nông sản an toàn”.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện luôn theo dõi sát tình hình sinh trưởng, phát triển của vải thiều, kịp thời truyên truyền và hướng dẫn người trồng vải các biện pháp chăm sóc, phun trừ sâu bệnh hại cây vải theo đúng quy trình của dự án VietGAP.

Các hộ trồng vải cũng tích cực quan tâm đầu tư chăm sóc cho cây vải thiều. Gia đình ông Đặng Văn Chiều, đội 5, thôn An Lão, xã Thanh Khê cho biết: Nhà tôi trồng 8 sào vải thiều. Từ năm 2013, được sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi đã áp dụng mô hình chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP. Áp dụng quy trình này, cây vải phát triển tốt hơn, năng suất tương đối cao, quả vải đẹp mã hơn và giá bán cao hơn so với vải thường. Năm nay, ông vẫn áp dụng quy trình VietGAP với diện tích 8 sào vải của mình. Ngay sau khi thu quả xong, ông tiến hành khoanh vỏ, tỉa cành, bón phân cân đối cho cây hồi phục nhanh. Đến khi  vải chuẩn bị ra hoa, ông phun thuốc kích thích sinh trưởng; vải ở giai đoạn quả non, ông bón phân vi lượng cho cây để vải quả to, mã đẹp. Khi xuất hiện các loại sâu bệnh hại vải, ông chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại vải thiều

Năm 2014 được đánh giá là một năm có điều kiện thời tiết thuận lợi nên vải ra hoa nhiều, với tỷ lệ cây ra hoa đạt trên 90% diện tích, tỷ lệ đậu quả cũng đạt cao. Hiện nay, 2.600 ha vải thiều của huyện đang ở giai đoạn quả non, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào giữa tháng 6, muộn hơn so với năm trước từ 10-20 ngày.  Tại các vùng vải sản xuất theo quy trình VietGap ở Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Xá, quả vải đều, đẹp, ít sâu bệnh. Ước tính sản lượng vải thiều năm nay đạt từ 17-18 nghìn tấn, cao hơn năm trước từ 2.000-3.000 tấn.  

Dự kiến, trước thời điểm thu hoạch vải, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Hải Phòng) sẽ trực tiếp thẩm định, đánh giá cấp chứng nhận vải VietGAP cho các hộ đạt yêu cầu.

Để quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức in ấn và phát 500 thư mời quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp, siêu thị, đai lý, các thương nhân và ban, ngành liên quan ở nhiều địa phương trên cả nước. Tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, châu Âu (Pháp)… Huyện cũng đã phối hợp với một số xã chủ động bố trí các bãi đỗ xe và thu mua vải đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng ùn tắc giao thông và thu mua vải lấn chiếm lòng lề đường. Năm 2013, Thanh Hàđã đầu tư kinh phí xây dựng 2 bãi đỗ xe tải tại 2 xã Thanh Bính và Thanh Thủy nhằm giảm ùn tắc giao thông trong mùa thu hoạch vải. Năm nay, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở xã Thanh Xá với diện tích trên 2.600 m2, tổng kinh phí đầu tư 1,3 tỷ đồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì việc in ấn tem, nhãn mác, túi đựng sản phẩm quả vải theo tiêu chuẩn VietGAP và theo chỉ dẫn địa lý của sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cho một số nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó có sản phẩm vải. Tham dự hội nghị có đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, đại diện cho cơ quan liên quan đến xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, các doanh nghiệp, tư thương… Hội nghị sẽ giới thiệu các thông tin về tiềm năng, thế mạnh cây vải, ổi, na của tỉnh, chính sách ưu đãi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là một hoạt động mới nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các nông sản.

Dự kiến tình hình tiêu thụ vải thiều Thanh Hà năm nay sẽ chịu tác động của một số nguyên nhân khách quan như: việc kiểm soát trọng lượng xe quá tải dẫn đến tình trạng tiêu thụ vải chậm, hay thương lái ép giá sản phẩm để bù đắp chi phí vận chuyển; những biến động của thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ chính của vải thiều Thanh Hà. Với sự vào cuộc tích cực của nhiều ban, ngành chuyên môn từ tỉnh tới huyện, hy vọng những khó khăn trên sẽ không cản trở quá trình tiêu thụ vải thiều của các địa phương trong tỉnh nói chung, và huyện Thanh Hà nói riêng, để vải Thanh Hà có một mùa vui lớn.

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây