Hải Dương: Xử lý đáy ao nuôi thủy sản bằng chế phẩm Biof

Dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) tại tỉnh Hải Dương" thuộc chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi" giai đoạn 2011-2015. Do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Hải Dương là cơ quan chủ trì.thực hiện trong hai năm 2012-2013.
Hải Dương: Xử lý đáy ao nuôi thủy sản bằng chế phẩm Biof
Mục tiêu của Dự án là tiếp nhận công nghệ sinh học sản xuất giống vi sinh vật hữu ích tại tỉnh phục vụ sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thuỷ sản BIOF tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn nông dân tự sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi trồng thuỷ sản (BIOF) ở một số địa phương trong tỉnh; Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống vi sinh vật hữu ích tại tỉnh; Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình nông dân tự sản xuất chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nuôi trồng thuỷ sản (BIOF) và mô hình sản xuất giống vi sinh vật hữu ích tại tỉnh.
Sau hai năm thực hiện, Dự án đã đào tạo được 02 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng TBKH và 05 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở nắm vững quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và sử dụng sản phẩm BIOF tại các hộ gia đình; 05 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng TBKH tỉnh Hải Dương làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất giống vi sinh vật hữu ích phục vụ sản xuất chế phẩm sinh học BIOF và đã được Công ty cấp chứng chỉ đào tạo.
Trong 02 năm 2012 – 2013, Dự án đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 13 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất và sử dụng chế phẩm xử lý đáy, nước ao nuôi thủy sản tại các xã, phường tham gia dự án; đã có hơn 1.000 hộ nông dân tại các xã, phường thực hiện dự án tham dự; Tổ chức sản xuất và sử dụng chế phẩm BIOF tại các hộ nuôi thủy sản ở một số huyện, thị xã được lựa chọn: Sau khi được tập huấn các hộ nông dân đã được cấp phát 3.000,0 kg giống vi sinh vật hữu ích để các hộ nông dân sản xuất 100,0 tấn chế phẩm Biof để xử lý 100,0 ha ao nuôi thủy sản ở 191 hộ gia đình của 12 xã, phường tham gia dự án như Hưng Đạo - Tứ Kỳ, Hồng Thái, An Đức - Ninh Giang, Đoàn Thượng, Đồng Quang - Gia Lộc, Tứ Cường - Thanh Miện, Thất Hùng - Kinh Môn, Hiệp Cát - Nam Sách, Cẩm Hoàng - Cẩm Giàng, Tân Việt - Thanh Hà, Cổ Bì - Bình Giang, Chí Minh - Chí Linh. Chất lượng chế phẩm sinh học Biof được sản xuất tại hộ gia đình có các chỉ tiêu như vi sinh vật tổng số, hàm lượng NPK tổng số, hàm lượng hữu cơ, độ ẩm đều đạt tiêu chuẩn.
Thông qua Dự án, Trung tâm ứng dụng TBKH đã được đầu tư về cơ sở vật chất từng bước hình thành Khu sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã tiếp nhận và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống vi sinh vật hữu ích tại Trung tâm Ứng dụng TBKH Hải Dương và đã sản xuất hoàn thành theo kế hoạch 2.100 kg giống vi sinh vật hữu ích đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất sản phẩm BIOF tại các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong những năm tiếp theo, Trung tâm ứng dụng TBKH tiếp tục duy trì hoạt động Phòng thí nghiệm nhân giống và kiểm tra chất lượng sản phẩm; sản xuất giống VSV hữu ích phục vụ nhu cầu của tỉnh.
Để đánh giá kết quả thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) tại tỉnh Hải Dương", ngày 26/4/2014 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp tỉnh.
Văn Tân-Hòa Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây