Những năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương đã mở rộng diện tích trồng với nhiều chủng loại giống như: dưa chuột nhập nội Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan...
Các giống dưa chuột ta hầu hết sau khi sản xuất nhân dân tự để giống theo kinh nghiệm nên giống bị lẫn tạp, phân ly, chất lượng kém. Các giống dưa chuột nhập nội rất đắt, không chủ động về giống và hiệu quả thấp.
Với mục đích đưa giống dưa chuột mới cho năng suất, chất lượng tốt mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Trong 2 năm 2012 và 2013, Viện Cây lương thực và Cây Thực phẩm đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình trình diễn giống dưa chuột nếp 1 trên địa bàn tỉnh Hải Dương" do tiến sỹ Đào Xuân Thảng làm chủ nhiệm đề tài.
Đây là giống dưa chuột mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao chịu lạnh tốt được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu chọn tạo thành công từ năm 2001. Giống dưa chuột nếp 1 cho năng suất từ 30-40 tấn/ha/vụ, chất lượng tốt, dạng hình đẹp, quả thon dài 20-25 cm, vỏ xanh sáng, có u vấu, cùi dày, ít hạt ăn rất ngon, đặc biệt giống chịu lạnh tốt, thị trường ưa chuộng, khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng thích ứng tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết.
Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã xây dựng thành công 42 ha mô hình trình diễn giống Dưa chuột Nếp 1 tại các xã Quốc Tuấn-Nam Sách, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, xã Lê Ninh-Kinh Môn, xã Đồng Quang, Hoàng Diệu, Thống Kênh, Hồng Hưng-Gia Lộc. Kết quả cho thấy, năng suất thực thu đạt 33 - 38 tấn/ha/vụ, thu nhập bình quân của nhiều hộ đạt từ 80 - 120 triệu đồng/ha, trong đó lãi thuần đạt mức 55 - 80 triệu đồng/ha, có hộ thâm canh tốt đạt từ 4-5 triệu đồng/sào cao gấp 1,3-1,6 lần so với mô hình trồng giống dưa chuột địa phương và mô hình trồng dưa nhập nội.
Nói về giống dưa chuột nếp 1, Tiến sỹ Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đánh giá: Giống dưa này có thời gian sinh trưởng từ 110-120 ngày trong vụ xuân sớm, 90-100 ngày trong vụ đông xuân, cho thu quả sau gieo hạt 45-55 ngày, thời gian thu quả từ 35-50 ngày. Để đạt được năng suất và hiệu quả cao khi trồng giống dưa chuột nếp số 1, tiến sỹ Đào Xuân Thảng khuyến cáo bà con cần chú ý thêm một số điểm sau đây:
Dưa có thể trồng được 2 vụ chính: Vụ đông xuân gieo hạt từ 15 - 30/1, mật độ trồng 3,5 vạn cây/ha với lượng phân bón: 1 tấn phân hữu cơ vi sinh + 160-180 N + 120 P205 + 150 K20. Ở vụ xuân sớm gieo hạt vào 1-15/2, mật độ trồng 3,2 vạn cây/ha với lượng phân bón: 1 tấn phân hữu cơ vi sinh + 160-180 N + 120 P205 + 150 K20.
Ông Vũ Xuân Kiên, Chủ tịch Hội nông dân xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc cho biết: Năm 2012 và 2013, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai mô hình trồng dưa chuột nếp 1 với diện tích 6ha, 100 hộ nông dân tham gia. Sau khi triển khai, các hộ nông dân đã nắm bắt thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như: làm bầu gieo hạt, chăm sóc cây con, bố trí luống trồng đúng kích thước, kỹ thuật trồng, bón phân, tưới nước, bấm nhánh, phòng trừ sâu bệnh. Năng suất trung bình dưa chuột nếp 1 đạt từ 29, 53-33,81 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, theo các hộ nông dân hiện nay sản xuất dưa chuột còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ quan, công ty đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bà con nông dân trồng dưa chuột mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học trong việc tìm đầu ra sản phẩm.
Giống dưa chuột nếp 1 là giống thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Hải Dương, giống có khả năng sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Song, các địa phương cần có kế hoạch chỉ đạo cân nhắc mở rộng sản xuất luôn phải tính toán với nhu cầu thực tế của thị trường để đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất.
Hòa Thuận