Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, năm 2012 UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Chương trình "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015".
Năm 2013, Chương trình đã triển khai thực hiện 06 Dự án và 03 đề tài, trong đó 05 dự án do Trung tâm ứng dụng TBKH chủ trì thực hiện, 01 dự án do Trung tâm Thông tin KHCN và tin học chủ trì thực hiện, 02 đề tài do Viên Cây lương thực và Cây thực phẩm chủ trì thực hiện và 01 đề tài do Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện chủ trì thực hiện.
Sau 01 năm thực hiện, kết quả áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và thủy sản đã cho hiệu quả kinh tế và bước đầu tạo lập được các vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa tại các địa phương. Cụ thể như đối với sản xuất lúa, Trung tâm Ứng dụng TBKH đã thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương", với các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, mỗi mô hình gieo cây lúa đều có diện tích 5ha/1 giống/1 vùng, các giống lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất khá, vụ chiêm xuân lúa lai Bio 404 là 7,5-7,8 tấn/ha, lúa lai Hương ưu 3068 là 7,8-8,0 tấn/ha, lúa thuần Nàng Xuân là 5,6-5,8 tấn/ha,lúa TBR45 là 6,1-6,3 tấn/ha...
Đối với cây rau màu, Trung tâm ứng dụng TBKH đã thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất cây rau màu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương". Kết quả đã xây dựng mô hình sản xuất giống ngô nếp lai HN88 tại xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh, năng suất thu hoạch đạt 12,5 tấn/ha, lãi trung bình 37 triệu đồng/ha; xây dựng mô hình sản xuất dưa hấu thúy đào 169 và dưa hấu super Hoàn Châu tại xã Thượng Quận (Kinh Môn) và xã Nam Hưng (Nam Sách), kết quả dưa hấu Thúy Đào 169 đạt 36 tấn/ha, lãi 94 triệu/ha và super Hoàn châu 30,5 tấn/ha, lãi 85 triệu/ha; xây dựng mô hình sản xuất bí xanh số 2 tại xã Hợp Tiến (Nam Sách), năng suất bí xanh đạt 18,9-21,6 tấn/ha; mô hình sản xuất khoai tây sinora với quy mô 05ha tại xã Thanh Hải (Thanh Hà) sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 18,3 tấn/ha, lãi 88 triệu đồng/ha.
Trung tâm Ứng dụng TBKH đã thực hiện mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ với quy mô 3,0ha, số lượng 12.000 hom giống tại các xã Hoàng Tiến và xã Bắc An, thị xã Chí Linh. Thanh Long ruột đỏ trồng sau 06 tháng, tỷ lệ sống đạt trên 90% sinh trưởng phát triên tốt, cây Thanh Long được các hộ nông dân đánh giá thích hợp với điều kiện đồng đất vùng đồi Chi Linh, các địa phương đã có kế hoạch mở rộng sang các năm tiếp theo.
Đối với gia cầm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thực hiện Dự án "Ứng dụng Tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương", Kết quả Dự án đã xây dựng mô hình nuôi vịt Super M3 và Super Heavy với quy mô 20.000 con tại xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện và xã Thái Hòa, huyện Bình Giang. Qua mô hình chăn nuôi 2 giống vịt các hộ chăn nuôi đánh giá các giống vịt trên thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Vịt nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng kháng bệnh cao, vịt nuôi 48-52 ngày tuổi đạ trọng lượng trung bình 2,9-3,2 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng là 2,4-2,8 kg/kg tăng trọng, tỷ lệ nuôi sống từ 95-98%, giá bán tại thời điểm xuất bán (6/2003) từ 39.000-42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bình quân 1.000 con vịt super m3, super heavy lãi từ 10.000.000-15.000.000 đồng. Mô hình nuôi gà ri lai với quy mô 17.000 con tại xã Bắc An, thị xã Chí Linh, kết quả sau 3-3,5 tháng nuôi gà có trọng lượng 1,8-2,0 kg, với giá bán 65.000 đồng/kg, nuôi 1.000 con gà cho lãi từ 12.000.000 đến 17.000.000 đồng. Mô hình nuôi 15.000 con gà mía lai tại xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành; xã Nam Tân, huyện Nam Sách; xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn và xã Bắc An, thị xã Chí Linh,kết quả cho thấy gà mía lai có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tỷ lệ sống của gà mía lai đạt 95,1%-95,7%, trọng lượng cơ thể lúc 3,5 tháng từ 1,8-2,1 kg/con.
Mô hình nuôi cá rô phi lai xa đơn tính đực với diện tích 18ha, 40 hộ tham gia tại 3 xã thuộc các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Chí Linh, Tứ Kỳ được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa họctriển khai năm 2013. Kết quả cho thấy cá rô phi lai xa đơn tính đực được nuôi trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trên 10 tấn/ha mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha. Đặc biệt tại Chí Minh-Chí Linh và Hưng Đạo-Tứ Kỳ lãi đạt 80-95 triệu đồng/ha.
Bên cạnh các dự án xây dựng mô hình lúa, trồng trọt, chăn nuôi thì công tác thông tin truyền thông cũng được quan tâm. Năm 2013, Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ và Tin học đã thực hiện Dự án "xây dựng mô hình tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triên sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương" tại các xã Bình Xuyên (Bình Giang), xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và xã Thanh Hải (Thanh Hà), đã đào tạo sử dụng mạng LAN, hướng dẫn sử dụng Internet và thư điện tử cho 75 cán bộ công chức; đào tạo tin học cho 11 cán bộ, công chức tại các xã tham gia mô hình. Dự án đã cung cấp được trên 300 tin, bài về các quy trình kỹ thuật dạng văn bản và 30 đĩa phim khoa học, 600 quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đài truyền thanh tại các xã đã tuyên truyền từ 95 đến 120 tin, bài trên hệ thống phát thanh; cung cấp từ 50 đến 70 tin bài trực tiếp cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, Dự án tiếp tục duy trì tốt hoạt động của Tổ truyền thông thông tin khoa học công nghệ của các xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), Tứ Cường (Thanh Miện) và Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), chuyển giao các tài liệu và băng đĩa các quy trình kỹ thuật nông nghiệp để tuyên truyền cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận xét: Các mô hình khoa học và công nghệ đã có tác dụng to lớn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. thông qua các dự án, bà con nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, bước đầu tạo lập các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung, quy mô hàng hóa tại các địa phương. Đặc biệt, Dự án cung cấp thông tin khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ xã về công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về việc áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; đánh giá được nhu cầu thực tiễn về thông tin khoa học công nghệ ở một số địa phương.
Tuy nhiên khi triển khai các Dự án còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như các dự án triển khai về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi; nhiều địa phương chưa thực hiện khoanh vùng sản xuất quy mô lớn, nên chưa xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mô hình sản xuất lúa hàng hóa và rau màu vẫn còn hiện tượng bị xen kẽ một số diện tích nhỏ của các hộ dân không tham gia dự án; một số cán bộ kỹ thuật chưa sâu sát với việc theo dõi quá trình triển khai, thực hiện quy trình kỹ thuật ở cơ sở..
Để các Dự án thuộc Chương trình "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015" đạt hiệu quả cao và nhân rộng các mô hình vào sản xuất và đời sống, cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, chính quyền UBND các xã tham gia Chương trình;Tuyên truyền sâu rộng trong nông dân về vai trò của khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, và các thông tin, kiến thức về khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến, kinh nghiệm trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn
Hòa Thuận