Áp dụng công nghệ sấy Rau tiên tiến

DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ SẤY RAU TIÊN TIẾN QUI MÔ HỘ GIA ĐÌNH TẠI HUYỆN NAM SÁCH, KIM THÀNH VÀ CẨM GIÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm dự án: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2001 đến tháng 4/2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.

I. MỤC TIÊU

Nâng cao chất lượng nông sản chế biến bằng phương pháp sấy khô, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tạo năng lực mở rộng chế biến nông sản thực phẩm ở địa phương và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Xây dựng mô hình áp dụng lò sấy cải tiến quy mô hộ gia đình tại huyện Nam Sách, Kim Thành và Cẩm Giàng - tỉnh Hải Dương.

1.1. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của lò sấy cải tiến.

- Các thông số kỹ thuật của lò:

+ Kích thước của lò (dài, rộng, cao): 1,9 x 1,5 x 2,2 m.

+ Số bầu lò than của lò sấy: 1 bầu kích thước 0,45 x 0,3 x 0,27 m.

+ Số giàn sấy của lò: 7 giàn.

+ Năng suất sấy: 50 kg nguyên liệu tươi đã qua sơ chế/mẻ.

+ Chi phí nhiên liệu trung bình: 22 kg than bùn/mẻ.

- Nguyên lý hoạt động của lò sấy: theo nguyên lý truyền nhiệt đối lưu, vật liệu sấy nhận nhiệt bằng trao đổi nhiệt đối lưu từ tác nhân sấy là không khí nóng.

1.2. Kết quả xây dựng lò sấy nông sản cải tiến.

- Xây dựng lò mẫu: Dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng lò mẫu để trình diễn về đào tạo thợ kỹ thuật xây lò, kỹ thuật đốt lò, điều chỉnh nhiệt, công nghệ sấy, chất lượng sản phẩm sấy tại các xã tham gia dự án.

- Chỉ đạo xây lò tại các hộ gia đình:

+ Cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn xây lò, chuyển giao kỹ thuật đốt lò, điều chỉnh nhiệt và qui trình sấy các sản phẩm nông sản cho nông dân đảm bảo chất lượng.

+ Kết quả trong 3 năm (2001-2003) đã xây được 380 lò/176 hộ, so với kế hoạch đề ra tăng 11%. Trong đó: huyện Nam Sách 228 lò, huyện Cẩm Giàng 110 lò, huyện Kim Thành 40 lò, huyện Thanh Miện 2 lò.

Từ hiệu quả của lò sấy cải tiến, các hộ gia đình trong vùng dự án đã tham quan học tập và mở rộng qui mô xây dựng lò sấy như ở xã Cẩm Văn và Đức Chính, huyện Cẩm Giàng và xã Đồng Quang, huyện Thanh Miện tổng số được 108 lò.

Như vậy, đến năm 2005, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã triển khai được 488 lò sấy nông sản cải tiến để sấy các loại rau vụ đông.

1.3. Kết quả sấy các sản phẩm rau.

Tổng khối lượng nguyên liệu rau sấy qua các lò cải tiến từ năm 2001-2004 là 3.038 tấn. Trong đó: hành củ 965 tấn, cà rốt 825 tấn, tỏi củ 462 tấn; rau gia vị 307 tấn, bí đỏ 284 tấn, hành mủa 155 tấn và nấm ăn 40 tấn.

Chất lượng sản phẩm sấy: sản phẩm sấy có màu sắc sáng, các lát sản phẩm sấy không bị cháy đen, khô đồng đều, sản phẩm giữ được hương thơm tự nhiên, không bị oi khói, chất lượng cải thiện hơn hẳn so với sấy bằng lò sấy thủ công, đáp ứng được yêu cầu thị trường.

1.4. Hiệu quả của lò sấy nông sản cải tiến.

- Giảm chi phí nguyên, nhiên liệu và nâng cao giá trị hàng hoá cho 1 kg sản phẩm: tiêu hao nguyên liệu rau tươi giảm từ 2 - 5%. Tiêu tốn than giảm từ 14 - 20%. Chi phí giảm 8,1 - 14,3%. Chất lượng sản phẩm tốt hơn và thời gian bảo quản dài hơn từ 2 - 3 tháng, giá bán 1 kg sản phẩm rau khô sấy trên lò sấy cải tiến tăng từ 1.500 - 3.000 đồng so với lò sấy thủ công.

- Nâng cao chất lượng hàng hoá cho sản phẩm: Các sản phẩm rau thực hiện qua lò sấy cải tiến do có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu thị trường nên giá trị hàng hoá tăng hơn so với lò sấy thủ công. Cụ thể:

+ Đối với hành, tỏi: tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg sản phẩm.

+ Đối với cà rốt loại 1 dùng để xuất tươi, chỉ sấy cà rốt loại 2. Giá bán cà rốt loại 1 từ 1.800 -2.200 đồng/kg, cao gấp 3 lần cà rốt loại 2. Cà rốt loại 2 giá thấp (từ 500 - 700 đồng/kg) lại khó tiêu thụ, nhưng qua sấy đã nâng giá trị lên gấp 2 lần so với tiêu thụ tươi.

+ Hành mủa khi đưa sấy trên lò cải tiến, chất lượng sản phẩm tốt, mùi thơm, giữ được màu xanh tự nhiên, thời gian bảo quản kéo dài từ 4 - 6 tháng, giá bán tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với hành mủa phơi khô.

2. Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ sấy rau bằng thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại dải tần hẹp.

Thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại là một tiến bộ kỹ thuật do Viện Công nghệ sau thu hoạch (nay là Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) nghiên cứu chế tạo và đưa vào áp dụng. Dự án đã ký hợp đồng với Viện để áp dụng công nghệ với phương pháp chuyển giao thiết bị, hướng dẫn vận hành, sấy sản phẩm đảm bảo chất lượng. Thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại dải tần hẹp gồm 2 loại như sau:

Hai máy sấy SHN-50, có công suất (KW): 3 - 4,5; năng suất: 30 kg/mẻ; thời gian sấy: 4 - 6h.

Một máy sấy SHN-100, có công suất (KW): 3,5 - 6,4; năng suất 50 kg/mẻ, thời gian sấy: 4 - 6 h.

Sau khi tiếp nhận thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại dự án đã tiến hành đưa vào áp dụng thử để lựa chọn phương án sử dụng sao cho có hiệu quả nhất.

- Kết quả áp dụng thử vào hộ gia đình nông dân:

Hành củ, bí đỏ sau khi qua các khâu xử lý, làm sạch, thái lát rồi rải đều lên khay sấy của thiết bị theo năng suất thiết kế. Nhiệt độ sấy trên thiết bị sấy hồng ngoại dải tần hẹp là 65OC. Sau thời gian sấy 3,5 giờ đối với hành lát và 11h với bí đỏ thái lát sản phẩm đạt tiêu chuẩn sấy khô rồi làm nguội và bao gói bảo quản.

So sánh kết quả sấy hành lát, bí đỏ lát trên lò sấy cải tiến và thiết bị sấy hồng ngoại dải tần hẹp cho thấy: so với lò cải tiến, sản phẩm hành thái lát và bí đỏ thái lát qua sấy bằng thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại dải tần hẹp có thời gian sấy ngắn hơn từ 26,4 - 50% và chất lượng sản phẩm khá hơn. Nhưng do tiêu hao điện năng lớn nên thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại đã làm tăng giá thành sản phẩm ở mức cao. Trong khi đó giá mua chỉ ở mức độ chất lượng của lò sấy cải tiến, dẫn đến không hiệu quả cho người sản xuất.

- Kết quả áp dụng tại Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương:

Sấy rau ban thành phẩm của lò sấy Tuynel: hành lát, tỏi lát được sấy qua lò sấy Tuynel khi độ ẩm còn 30 - 40% tiếp tục đưa lên sấy ở thiết bị sấy bức xạ hồng ngoại dải tần hẹp từ 2 - 4 giờ. Chất lượng sản phẩm sấy cao hơn, nhưng giá thành lại tăng lên từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với sấy bằng lò sấy Tuynel. Mặc dù chi phí sản xuất tăng lên, nhưng chất lượng sản phẩm đảm bảo và có thị trường nên công ty đã đầu tư áp dụng từ năm 2001 đến nay.

Kết luận thiết bị sấy hồng ngoại dải tần hẹp chỉ phù hợp với qui mô sản xuất công nghiệp, không phù hợp với qui mô hộ gia đình

3. Đào tạo, tập huấn và tuyên truyền.

- Về đào tạo:

Đã đào tạo được 39 thợ xay lò cho 6 xã tham gia dự án. Số thợ kỹ thuật trên đã hoàn toàn chủ động xây dựng lò sấy cải tiến, vận hành lò và hướng dẫn xử lý khi có sự cố. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng, góp phần tích cực trong việc triển khai mở rộng kết quả dự án.

- Tập huấn kỹ thuật:

+ Các nội dung tập huấn kỹ thuật:

Đối với lò sấy cải tiến: Kỹ thuật vận hành lò sấy, xử lý lò sấy cải tiến khi có sự cố, kỹ thuật xử lý nguyên liệu ban đầu và thực hiện qui trình đun đốt.

Đối với cây lúa và cây nông sản: Kỹ thuật thâm canh các giống lúa tiến bộ kỹ thuật; áp dụng các biện pháp IPM trong phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng; kỹ thuật thâm canh cây hành, tỏi, cà rốt đạt năng suất, chất lượng đảm bảo; kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm.

Bảo vệ môi trường làng nghề: tác dụng và kỹ thuật xây hầm khí Biogas, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường làng nghệ, áp dụng các chế phẩm sinh học nhất là E.M trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề

+ Đối tượng tham gia tập huấn: lãnh đạo xã, thôn, các hộ tham gia dự án và cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, v.v...

- Tuyên truyền phổ biến:

Thông qua hệ thống truyền thanh của các xã, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Hải Dương, trên Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, Tạp chí Hoạt động Khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ và tổ chức thi dưới các hình thức sáng tác thơ, kịch chèo để tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết cho mọi người về lò sấy cải tiến, về quy trình kỹ thuật thâm canh cây nông sản, về sản xuất, gắn liền với bảo vệ môi trường...

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Số hộ sử dụng lò sấy sau nghiệm thu không tăng, nhưng 3 hộ ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng và xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách đã xây dựng thêm nhiều lò thành hệ thống sấy.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây