Sản xuất giống nhân tạo và nuôi thử cá rô đồng

ĐỀ TÀI XÂY DỰNG MÔ HÌNH THỬ NGHIỆM SẢN XUẤT GIỐNG NHÂN TẠO VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ RÔ ĐỒNG  

Chủ nhiệm: KS. Phạm Thị Nhuân, Trưởng phòng Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2003 đến tháng 3/2005.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Sản xuất giống cá rô đồng nhân tạo tại chỗ, tạo được sản lượng cá giống đồng đều về kích cỡ đáp ứng với phong trào nuôi cá thịt, đa dạng hoá các đối tượng nuôi đang ngày càng phát triển.

- Xây dựng được đội ngũ có tay nghề về sản xuất giống cá rô đồng, tạo tiền đề mở rộng mô hình và quy mô sản xuất giống cho các năm tiếp theo.

- Xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô đồng phù hợp với vùng nước Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo giống cá rô đồng.

1.1. Nuôi vỗ cá bố mẹ và cho sinh sản.

a. Nuôi vỗ cá bố mẹ:

Cá bố mẹ rô đồng được chọn từ trong ao nuôi cá của một số hộ gia đình tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Tổng lượng cá đưa vào nuôi vỗ là 42 kg, cỡ cá từ 30 - 70 g/con; cá khoẻ mạnh, không dị hình, không bệnh tật.

- Chuẩn bị giống, địa điểm nuôi:

+ Tổng khối lượng cá bố mẹ là 22,5 kg, cỡ cá 30 - 50 g/con.

+ Số cá bố mẹ chuyển từ năm 2003 sang được nuôi vỗ tại ao của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Vụ ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ là 10kg với diện tích ao 400 m2; số cá bố mẹ mua bổ sung năm 2004 là 12,5 kg và được nuôi tại ao của hộ gia đình ông Phạm Văn Tác ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện với diện tích là 150 m2.

- Quản lý chăm sóc:

+ Trước khi đưa cá bố mẹ vào nuôi, ao được tát cạn, phơi ao và tẩy vôi bột diệt tạp, bón phân chuồng đã ủ hoai để gây màu nước.

+ Nước lọc vào ao từ nguồn nước sạch, mực nước sâu từ 1 - 1,2 m.

+ Thời gian nuôi vỗ từ tháng 3 đến tháng 5.

+ Thức ăn: dùng cám công nghiệp, cám tự chế và cá mè tươi (nấu chín), liều lượng thức ăn hàng ngày bằng 5% so với lượng cá, ngày cho ăn 2 lần vào lúc sáng và chiều mát.

+ Phân bón: dùng phân chuồng và phân gà công nghiệp bổ sung, lượng phân được sử dụng từ 10 - 15 kg/100m2/tuần.

+ Luôn giữ mực nước sâu từ 1 - 1,2 m, cứ 2 tuần 1 lần thêm nước vào ao để bù lại lượng nước bốc hơi, thẩm lậu.

+ Bờ ao xây chắc chắn, dùng lưới cước để quây xung quanh bờ ao đề phòng mưa úng cá lách ra ngoài.

b. Sinh sản nhân tạo.

- Chọn cá bố mẹ đẻ: Cá nuôi vỗ sau 2 - 3 tháng có thể tiến hành chọn cá cho đẻ. Chọn phân loại cá đực và cá cái. Sau khi chọn xong bắt cá đưa vào dụng cụ chứa trước khi tiêm kích dục tố cho cá đẻ 2 - 3 giờ.

- Tiêm kích dục tố: Sử dụng loại kích dục tố LHRHa + Motilium, liều lượng tiêm: 80- 100 mg LHRHa + 2 viên Motilium/kg cá cái. Cá đực tiêm lượng bằng 1/2 cá cái. Vị trí tiêm: tiêm 1 lần vào phần xoang cơ ở gốc vây ngực (hoặc gốc vây lưng theo chiều tia cứng thứ nhất) vào lúc 17 - 18 h. Thời gian hiệu ứng thuốc: Sau khi tiêm từ 8 - 10 h cá sẽ đẻ (khoảng 1 - 2 giờ sáng), thời gian đẻ kéo dài 2 - 3 giờ.

- Bố trí cho cá đẻ: Sau khi tiêm kích dục tố, bố trí cho cá đẻ trong dụng cụ đã chuẩn bị sẵn như thuyền tôn, thùng tôn, bể xi măng với tỷ lệ đực - cái là 1:1 hoặc 2:1; mật độ thả từ 8 - 10 cặp cá/1m2 bể hoặc 2 - 3 cặp cá/1 chậu thau 20 lít; khi cá đẻ xong dùng vợt chuyển cá bố mẹ đi, dùng vợt vải vớt trứng cá đưa vào các chậu nhựa có đường kính 70 cm để ấp, mỗi chậu có thể ấp được 6 - 8 vạn trứng (3.000 trứng/1lít nước trong điều kiện nước tĩnh).

Kết quả cụ thể 4 đợt cá đẻ như sau:

Năm

Số cặp cá (cặp)

Trọng lượng cá cái (kg)

Tổng số cá bột (vạn con)

Năng suất vạn con/kg cá cái

Năm 2003 (4 đợt)

50

2,3

70

30,4

Năm 2004 (4 đợt)

71

3,05

65

31,7

Tổng 2 năm

121

5,35

135

31,0

1.2. Ương cá bột lên cá giống.

Năm 2003, ương trong 3 ao với diện tích 1.480m2, tổng số cá bột là 70 vạn con, mật độ ương bình quân 470 con/m2; địa điểm ương là xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ.

Năm 2004, ương trong 1 ao với diện tích là 1.000m2 tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tổng số cá bột là 20 vạn con, mật độ ương là 200 con/m2; ương 3 ao với diện tích 650 m2 tại xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tổng số cá bột là 45 vạn con, mật độ bình quân 700 con/m2.

Thức ăn: từ 7 - 10 ngày đầu cho ăn lòng đỏ trứng gà, vịt và bột gạo, bột đậu nành nấu chín; từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20, cho ăn bột cá (hoặc cá tươi), bột gạo, cám, đậu nành, liều lượng 400 - 800 g/10 vạn cá/ngày; từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 30, cho ăn cám mịn và bột cá, liều lượng: 800 - 1000 g/10 vạn cá/ngày; ngày thứ 31 đến ngày thứ 60, cho ăn 50% cám + 50% bột cá, lượng thức ăn bằng 105 - 15% trọng lượng đàn cá trong ao.

Kết quả hai năm 2003 và 2004 đã nuôi được với diện tích là 3.130m2; tổng số cá giống thu được là 10,95 vạn con, thời gian ương 40 - 50 ngày, cỡ cá bình quân đạt 0,52 - 1 g/con.

2. Kết quả mô hình nuôi cá rô đồng thương phẩm.

2.1. Quy mô và địa điểm thực hiện.

- Năm 2003: tổng diện tích nuôi cá rô đồng là 1.670m2, gồm 3 ao của 3 hộ tham gia thực hiện tại thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ; số lượng cá giống đã thả là 42.600 con; mật độ nuôi bình quân 25,8 con/m2, trong đó cá rô đồng là 25,5 con/m2, cá mè trắng, cá rô phi là 0,3 con/m2, cỡ cá 0,8 - 2,5 g/con.

- Năm 2004: tổng diện tích nuôi cá rô đồng là 3.250 m2, trong đó, tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ là 1.000 m2 ở 1 ao hộ gia đình và tại xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện là 2.250 m2, gồm 12 ao của 11 hộ gia đình; số lượng cá giống thả là 61.800 con, cỡ cá bình quân: 0,52 g/con; mật độ bình quân là 19 con/m2. Ngoài cá rô đồng, 1 số ao còn nuôi ghép thêm cá mè trắng, rô phi đơn tính, chép lai 3 máu để tận dụng thức ăn trong ao (bình quân khoảng 0,5 con cá ghép/m2).

Tuy nhiên, sau đợt úng ngập (tháng 7/2004) số giống chỉ còn khoảng 30.220 con, do đó mật độ cá bình quân còn lại sau úng tràn là 12 con/m2.

2.2. Chăm sóc và quản lý ao.

- Chăm sóc: thức ăn bao gồm cám, gạo, ngô xay, cám công nghiệp... Lượng thức ăn sử dụng 5 - 7% so với trọng lượng đàn cá/ngày. Thức ăn được rải đều xung quanh ao hoặc ở góc ao, ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Phân bón gồm phân chuồng, phân gà công nghiệp đã ủ hoai, một tuần bón từ 1 đến 2 lần, mỗi lần từ 15 - 20 kg/100m2. Tuỳ theo màu nước ao điều chỉnh lượng phân cho phù hợp. Các ao được xây bờ hoặc dùng lưới cước chắn xung quanh bờ ao để bảo vệ tránh thất thoát khi mưa rào cá rạch ra ngoài.

- Tốc độ sinh trưởng: so sánh tốc độ sinh trưởng bình quân 2 năm tương đương như nhau, sau 5 - 6 tháng nuôi, cá rô thương phẩm đạt bình quân từ 33 - 34,5 g/con, một số ao cá đạt bình quân 40 g/con, con to nhất đạt 70 - 80 g/con, con nhỏ đạt 25 g/con.

2.3. Kết quả thu hoạch.

- Năm 2003: sau 5 đến 6 tháng nuôi, sản lượng cá thịt thu được là 1.130 kg. Trong đó, cá rô đồng là 999kg, cá khác 131 kg. Năng suất bình quân đạt 6,8 tấn/ha, riêng cá rô đồng đạt 6 tấn/ha.

- Năm 2004: sản lượng cá thịt thu được 900kg, trong đó cá rô đồng là 757 kg, cá khác là 143 kg, năng suất bình quân đạt 3,6 tấn/ha, riêng cá rô đồng đạt 3 tấn/ha.

3. Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá rô đồng phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Sau 2 năm thực hiện, trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật có nhiều khó khăn, nhưng đề tài đã hoàn chỉnh được quy trình sản xuất giống nhân tạo và quy trình kỹ thuật nuôi cá rô đồng thương phẩm tại Hải Dương đạt kết quả, làm cơ sở để tuyên truyền nhân rộng ra đại trà.

4. Đánh giá hiệu quả kinh tế.

4.1. Mô hình nuôi cá giống.

- Năm 2003: tổng số cá bột là 70 vạn con, sau 30 - 50 ngày ương đã thu được 4,31 vạn con, cỡ cá 0,8 - 2,5 g/con. Tổng chi phí 2.344.000 đồng, giá thành cá giống bình quân 54,5 đồng/con.

- Năm 2004: tổng số cá bột là 65 vạn con, sau 40 - 50 ngày ương thu đã được 6,645 vạn con, cỡ cá 0,52 g/con. Tổng chi phí 2.985.000 đồng, giá thành cá giống bình quân 45 đồng/con.

4.2. Mô hình nuôi cá thịt.

- Năm 2003: tổng thu là 17.582.000 đồng và tổng chi là 13.183.000 đồng, lãi 4.295.000 đồng. Lãi bình quân cho 1 ha nuôi đạt 25,7 triệu đồng/ha. Giá thành bình quân 11.600 đồng/kg cá thịt.

- Năm 2004: tổng thu là 16.382.000 đồng, tổng chi là 14.752.000 đồng, lãi 4.255.000 đồng .Giá thành bình quân 16.400 đồng/kg cá thịt. Lãi bình quân cho 1 ha nuôi đạt 16,2 triệu/ha.

4.3. Hiệu quả kinh tế nuôi cá rô đồng so với một số loài cá nước ngọt.

Qua tính toán thực tế cho thấy nuôi các loại cá truyền thống (mè, trôi, trắm cỏ, chép) có năng suất bình quân ở mức 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí sẽ có lãi 28 triệu đồng/ha. Còn nuôi cá rô đồng sẽ có lãi 29 triệu đồng/ha. Tuy mô hình nuôi cá rô đồng thương phẩm có mức lãi tương đương với nuôi cá truyền thống, nhưng thời gian nuôi ngắn hơn. Thời gian còn lại có thể quay vòng ao nuôi cá khác để tăng hiệu quả sử dụng diện tích mặt trước. Còn nếu nuôi thâm canh với mật độ cao, thì chắc chắn nuôi cá rô đồng sẽ có hiệu quả kinh tế hơn nhiều.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau nghiệm thu, việc nhân rộng có nhiều khó khăn. Năm 2007, một số hộ ở xã Tân Dân, huyện Chí Linh bắt đầu nuôi cá rô đồng quy mô lớn.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây