Áp dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển hàng hoá tập trung

CHƯƠNG TRÌNH ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT PHÁT TRIỂN THỦY SẢN HÀNG HÓA TẬP TRUNG TẠI NHỮNG VÙNG ĐẤT MỚI CHUYỂN ĐỔI Ở CÁC HUYỆN TRONG TỈNH (MÃ SỐ: CTS-07)  

Chủ nhiệm Chương trình: KS. Nguyễn Duy Sách, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Phó chủ nhiệm Chương trình:

- KS. Tăng Đức Kháng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

- Th.S Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Chủ nhiệm các dự án thuộc Chương trình:

- Th.S Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- KS. Tăng Đức Kháng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.

- KS. Phạm Thế Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn.

- CN. Hà Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang.

- KS. Đinh Thế Chiêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện.

- KS. Nguyễn Thị Kịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc.

- CN. Nguyễn Duy Giới, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng.

- KS. Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà.

- KS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chí Linh.

- CN. Cao Tiến Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương.

- KS. Phạm Thị Nhuân, Thư ký Hội Thủy sản tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì Chương trình: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Đơn vị phối hợp thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

- Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I - Bộ Thủy sản.

- Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc.

- Hội Nông dân tỉnh Hải Dương.

- Hội Thủy sản tỉnh Hải Dương.

- UBND các huyện: Tứ Kỳ, Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Chí Linh, Thanh Hà.

Thời gian thực hiện: Bắt đầu năm 2005 và kết thúc năm 2007.

Kết quả nghiệm thu: Các dự án được xếp loại khá và xuất sắc. Chương trình được tổng kết. Chương trình đã đạt giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn - Hải Dương lần thứ II (2001-2006).

I. MỤC TIÊU

- Xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nuôi thủy sản quy mô tập trung có hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở vùng đất mới chuyển đổi tại một số huyện trong tỉnh. Chuyển giao và áp dụng công nghệ về nuôi cá rô phi đơn tính, cá tra, tôm càng xanh cho các hộ nông dân để xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản tập trung có giá trị hàng hoá cao, đồng thời là điểm trình diễn để nông dân các địa ph­ương ở những vùng đất mới chuyển đổi học tập, áp dụng. Phấn đấu nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm đạt năng suất từ 10 - 12 tấn/ha/vụ (nuôi đơn) và 8 - 9 tấn (nuôi ghép); cá tra đạt năng suất trên 20 tấn/ha/vụ; tôm càng xanh đạt năng suất trên 1.000 kg/ha/vụ; lợi nhuận bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

- Đào tạo đ­ược đội ngũ kỹ thuật viên ở cơ sở nắm vững kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, cá tra để làm hạt nhân tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân cùng áp dụng.

- Xây dựng mô hình và phát triển tổ "liên gia" tại các vùng nuôi thủy sản tập trung để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Về tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình.

- Dựa vào kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện các đề tài cấp tỉnh, cấp Nhà nước và kết quả hội thảo của các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện, Chương trình đã thống nhất xây dựng tiêu chí để lựa chọn hộ nông dân tham gia các dự án như sau:

+ Phải có ao nuôi, diện tích trên 1.000 m2 mặt nước.

+ Tự nguyện tham gia dự án.

+ Có khả năng tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi thuỷ sản hàng hóa.

+ Có đủ lao động và năng lực tài chính.

Các tiêu chí trên được áp dụng trong suốt thời gian thực hiện Chương trình.

- Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Ban chủ nhiệm Chương trình đã trực tiếp làm việc với Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trông Thuỷ sản I - Bộ Thuỷ sản và Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc để ký hợp đồng nguyên tắc về việc cung cấp giống cá rô phi đơn tính và hỗ trợ kỹ thuật của Viện cho các dự án thuộc chương trình của tỉnh. Đồng thời, Ban chủ nhiệm Chương trình và đại diện cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đã tiến hành khảo sát tình hình sản xuất giống cá rô phi đơn tính tại một số cơ sở sản xuất cá giống thuộc Công ty giống thuỷ sản Hải Phòng để trao đổi về kỹ thuật và phối hợp cung cấp giống khi cần thiết.

- Dựa vào tài liệu kỹ thuật của đề tài cấp Nhà nước và từ thực tiễn của địa phương, Ban chủ nhiệm Chương trình đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, cá tra, tôm càng xanh để các dự án cấp cho hộ nông dân áp dụng. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cho các dự án một số tài liệu tham khảo về kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi UCNI của Trung Quốc.

- Trong quá trình thực hiện, các dự án thuộc Chương trình đều thành lập đựợc các tổ "liên gia" để giúp đỡ lẫn nhau về nhiều mặt. Đây là một nội dung rất mới và quan trọng của các dự án. Hoạt động của các tổ "liên gia" chịu sự chỉ đạo của dự án và của UBND xã, Hội Nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp ở cơ sở.

- Chương trình đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các dự án trong suốt quá trình chuẩn bị ao nuôi, nhận và xuống giống thủy sản; tổ chức kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng và môi trường ao nuôi qua từng giai đoạn tại các xã để có biện pháp xử lý kỹ thuật kịp thời.

2. Các kết quả về xây dựng mô hình nuôi thủy sản tập trung.

2.1. Kết quả khảo sát và chọn hộ nông dân tham gia mô hình.

Kết quả điều tra, khảo sát tình hình kinh tế - xã hội của các xã do các huyện lựa chọn đều có nhiều diện tích ao mới chuyển đổi; đồng thời lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương và đặc biệt là ngư­ời dân có nhu cầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nuôi thủy sản hàng hóa tập trung. Căn cứ vào tiêu chí chọn hộ nông dân tham gia, trong 3 năm 2005, 2006 và 2007 các dự án thuộc Chương trình đã chọn đ­ược 512 hộ tham gia mô hình tại 23 xã thuộc 9 huyện trong tỉnh.

2.2. Kết quả về tập huấn kỹ thuật.

Trong các vụ nuôi năm 2005, 2006 và 2007 các dự án thuộc Chương trình đã tiến hành tập huấn ít nhất được 2 đợt/vụ. Tài liệu tập huấn kỹ thuật được Chương trình biên soạn, các dự án in và cấp trực tiếp cho cán bộ chỉ đạo, cán bộ kỹ thuật cơ sở và các hộ nông dân. Nội dung tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, cá tra bao gồm: hướng dẫn kỹ thuật gạn ao và vệ sinh ao; kỹ thuật chọn giống và thả giống; kỹ thuật cho ăn và chăm sóc; kỹ thuật phòng và chữa bệnh; kỹ thuật chọn thức ăn công nghiệp; kỹ thuật sản xuất thức ăn tự chế tại hộ gia đình; kỹ thuật thu hoạch đối với từng loại thuỷ sản. Cùng với việc tập huấn kỹ thuật nuôi, các dự án còn hướng dẫn phương pháp ghi nhật ký theo dõi trong quá trình nuôi, phương pháp hạch toán kinh tế cho các hộ nông dân. Tại buổi tập huấn kỹ thuật, chủ nhiệm dự án còn thông báo công khai quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của từng bên trong quá trình tham gia thực hiện dự án, đồng thời tuyên truyền kỹ về vai trò, nội dung hoạt động của các tổ "liên gia" trong suốt quá trình nuôi thuỷ sản tập trung.

2.3. Kết quả nhận và xuống giống thủy sản.

- Trong các vụ nuôi năm 2005, 2006 và 2007 các dự án thuộc Chương trình đã thực hiện tốt việc khảo sát để lựa chọn đơn vị hợp đồng cung cấp giống thủy sản cho các hộ nông dân. Các đơn vị cung cấp giống thủy sản cho các dự án của Chương trình chủ yếu là Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I - Bộ Thủy sản. Tuy nhiên, do nguồn giống của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc không đủ cung cấp theo thời vụ nên một số dự án thuộc Chương trình đã tiếp nhận giống ở một số đơn vị khác thuộc Công ty giống thủy sản Hải Phòng. Ngoài các đơn vị chuyên sản xuất giống thủy sản của nhà nước cung cấp; năm 2006 gia đình ông Vũ Văn Yên ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) đã tự ương cá bột 21 ngày tuổi của Công ty Thái Chung Lợi (Đài Loan) để ương thành cá giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho các hộ nông dân trong vùng nuôi, và năm 2007 các hộ nông dân ở xã Tân Dân đã được Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chỉ đạo kỹ thuật để tự ương cá bột 21 ngày tuổi của Trung tâm sản xuất thành cá giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp cho các hộ nông dân trong dự án, tỷ lệ giống/cá bột đạt trên 60%, tỷ lệ giổng rô phi đơn tính đực đạt trên 95%.

- Kết quả nhận và xuống giống thủy sản năm 2005, 2006 và 2007 của Chương trình đã đạt được như sau:

+ Cá rô phi: 2.739.000 con giống, trọng lượng từ 2 - 3 g/con.

+ Cá tra: 58.000 con giống, trọng lượng 3 -4 g/con.

+ Tôm càng xanh: 130.000 con giống, chiều dài 2,5 - 3 cm/con.

2.4. Kết quả xây dựng mô hình xuống cá rô phi đơn tính.

2.4.1. Diện tích và mật độ nuôi.

Trong 3 năm, các dự án thuộc Chương trình đã nuôi 129,455 ha; mật độ nuôi đơn 3 con/m2, nuôi ghép 1,5 - 2 con/m2.

2.4.2. Tốc độ sinh trưởng.

Tốc độ tăng trọng trung bình của cá rô phi đơn tính sau 7 tháng nuôi đạt ở mức độ khá: từ 61,13 - 70,12 gam/con/tháng. Tốc độ tăng trọng trung bình ở các tháng khác nhau có sự khác biệt: tháng thứ nhất và tháng thứ 2 cá sinh trưởng và phát triển chậm, tốc độ tăng trọng trung bình đạt 30 - 40 gam/con/tháng, do cá mới thả nên chưa thích nghi với điều kiện môi trường ao nuôi và thức ăn. Tốc độ tăng trọng trung bình tháng thứ 2 cao nhất: 55 - 122 gam/con/ tháng, do một số hộ gia đình có điều kiện ao nuôi tốt và đã có kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản trong nhiều năm. Ở các tháng tiếp theo (tháng 3, 4, 5, 6) cá sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ tăng trọng trung bình cao: 40 - 80 gam/con/tháng, đây là giai đoạn cá phát triển nhanh, lượng tiêu tốn thức ăn nhiều và điều kiện thời tiết ở giai đoạn này là phù hợp. Tháng thứ 7 tốc độ tăng trọng trung bình của cá chậm lại đạt 40 - 50 gam/con/tháng, do đây là giai đoạn chuyển mùa, điều kiện thời tiết thất thường nên cá ăn kém và ở giai đoạn này một số ao nuôi có điều kiện cấp, thoát nước kém nên môi trường ao nuôi không đảm bảo. Tuy nhiên, có nơi tốc độ tăng trọng trung bình tháng thứ 7 vẫn cao, đạt 100 gam/ con/tháng do các hộ nông dân đã có kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính.

2.4.3. Kết quả thu hoạch.

Đa số các địa phương tham gia dự án, các hộ nông dân khi thu hoạch đủ thời gian theo chu kỳ nuôi đều đạt trọng lượng trên 500 gam/con, số ít hộ (10%) có trọng lượng cá dưới 450 gam/con là do thu bán sớm hoặc chăm sóc kém.

- Về năng suất: Có 90% số hộ tham gia các dự án đạt năng suất cá trên 10 tấn/ha/vụ (trong đó có 10% số hộ đạt năng suất trên 15 tấn/ha/vụ) và 10% số hộ đạt dưới 10 tấn/ha/vụ.

- Về sản lượng: Trong 3 năm các dự án thuộc Chương trình đã thu hoach trên 1.500 tấn cá rô phi thương phẩm, đạt chất lượng và tiêu thụ tốt trên các thị trường trong và ngoài tỉnh.

2.5. Kết quả xây dựng mô hình nuôi cá tra.

2.5.1. Diện tích và mật độ nuôi.

Trong năm 2005 và năm 2006, các dự án thuộc Chương trình đã nuôi cá tra với diện tích 1,6 ha, mật độ nuôi từ 3 - 5 con/m2.

2.5.2. Tốc độ sinh trưởng.

- Tháng thứ nhất cá phát triển chậm do khi lấy giống cá về gia đình vẫn chưa xử lý được ao và phải nuôi tại 1 ao nhỏ, mật độ dầy trong 15 ngày, sau khi xử lý ao và chuyển sang ao chính, cá tra nuôi phát triển tốt, đồng đều. Đây là năm thứ 2 gia đình ông Hưu nuôi cá tra, do đã có kinh nghiệm từ những năm trước, gia đình đã chăm sóc tốt ngay từ đầu sau khi thả. So với năm 2005, cá tra nuôi năm 2006 của ông Hưu đã phát triển tốt hơn do đã biết rút được kinh nghiệm trong chăm sóc, thức ăn đảm bảo khẩu phần và hàm lượng dinh dưỡng, quản lý tốt ao nuôi cá, không để thất thoát.

- Cá tra nuôi 6 tháng đạt trọng lượng bình quân 900 gam/con, đã có thể cho thu hoạch nhưng do giá cá hạ nên phải chờ đến giữa tháng 12 mới bắt đầu thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 1 tuần làm cho cá bỏ ăn, trọng lượng giảm đáng kể. Trọng lượng bình quân khi thu hoạch so với trọng lượng bình quân trước đó giảm tới 17% (từ 1.200 gam xuống 1.000 gam).

2.5.3. Kết quả thu hoạch.

Năm 2005 và 2006, một số hộ nông dân ở Minh Hòa (Kinh Môn), An Đức (Ninh Giang), Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đã nuôi diện tích 1,5 ha, năng suất trung bình đạt 24,6 tấn/ha và sản lượng đạt trên 35 tấn.

2.6. Kết quả xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh.

2.6.1. Diện tích và mật độ nuôi.

Năm 2005, một số hộ nông dân trong các dự án thuộc Chương trình đã nuôi với diện tích 1,3 ha, mật độ nuôi 10 con/m2.

2.6.2. Tốc độ sinh trưởng.

Tôm sinh trưởng tốt, trọng lượng bình quân đạt 25 - 30 g/con sau 4 tháng nuôi và ít bị bệnh.

2.6.3. Kết quả thu hoạch.

Năng suất thu hoạch ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) đạt 700 kg/ha/vụ; xã An Đức (Ninh Giang) đạt 1.200 kg/ha/vụ; xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đạt 1.280 kg/ha/vụ.

3. Kết quả xử lý môi trường ao nuôi.

Các dự án đều áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý môi trường ao nuôi. Cải tạo triệt để ao nuôi trước khi thả giống như gạn nước, phơi bùn, rắc vôi bột đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Định kỳ hàng tháng, thay nước ao nuôi (khoảng 1/3 thể tích), rắc vôi bột cho cá để điều chỉnh độ pH và vệ sinh môi trường ao nuôi. Khi môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, tiến hành xử lý bằng dung dịch E.M thứ cấp với liều lượng 5 lít/sào; bình thường trong 1 vụ nuôi phải tiến hành xử lý môi trường bằng dung dịch E.M thứ cấp từ 2 đến 3 lần, khi môi trường ao nuôi bị ô nhiễm sẽ phải tăng số lần xử lý. Do áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý môi trường ao nuôi, nên tại các xã thực hiện dự án đều ít xảy ra dịch bệnh cho cá trong quá trình nuôi.

4. Kết quả hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn tại chỗ.

- Thực tế cho thấy, nếu sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để nuôi cá, tôm sẽ làm cho chi phí vào giá thành tăng lên rất cao. Do đó, Chương trình đã chỉ đạo các dự án hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn tại chỗ cho các hộ nông dân trên cơ sở tận dụng nguyên liệu sẵn có; đồng thời hướng dẫn cách thức, tỷ lệ sử dụng kết hợp giữa thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế. Công thức phối trộn để chế biến thức ăn tại chỗ đã hướng dẫn cho các hộ nông dân tham gia chương trình thực hiện là: cám gạo, bột ngô: 40 -45%, đậu tương (rang, nghiền nhỏ): 20 - 25%, bột cá nhạt hoặc cá tươi: 10 - 15%, rau xanh: 15 - 20%, khoáng chất 1%; giá thành thức ăn tự chế giảm 30% so với thức ăn công nghiệp. Quá trình thực hiện, đã có 60 - 70% số hộ tham gia Chương trình tự chế biến được thức ăn cho cá. Đặc biệt ở một số địa phương như các xã Minh Hòa (Kinh Môn), Hoàng Hanh (Ninh Giang), Tân Dân (Chí Linh)... đã có nhiều hộ nông dân tự trang bị máy chế biến thức ăn cho cá có công suất từ 50 - 100 kg/ngày.

- Lượng thức ăn tự chế biến được các hộ nông dân sử dụng bình quân từ 30 - 40%, có nhiều hộ nông dân đã sử dụng trên 50%. Lượng thức ăn công nghiệp được hộ nông dân sử dụng từ trung bình từ 60 - 70%, một số hộ có điều kiện kinh tế đã sử dụng 100%.

5. Kết quả hoạt động của các tổ "liên gia".

Qua 3 năn thực hiện, các dự án thuộc Chương trình đều đã thành lập được các tổ "liên gia" tại xã tham gia.

Các tổ "liên gia" đã xác định được nhiệm vụ của tổ trưởng và trách nhiệm của từng tổ viên. Hoạt động của tổ "liên gia" ở các xã thực hiện dự án bước đầu có kết quả, các thành viên trong tổ đã tạo được sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau về tiếp thu kỹ thuật, vốn, lao động, vật tư và thông tin giá cả, thị trường,... góp phần làm cho phong trào nuôi thủy sản hàng hóa tập trung ngày càng phát triển ở các địa phương tham gia dự án, chương trình. Hoạt động của các tổ "liên gia" có kết quả rõ nét tại các xã: An Đức, Hoàng Hanh (Ninh Giang), Phạm Kha (Thanh Miện), Minh Hòa (Kinh Môn), Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), Quyết Thắng (Thanh Hà), Gia Hòa (Gia Lộc).

6. Hiệu quả của Chương trình.

Qua 3 năm triển khai, thực hiện mô hình ở vùng đất mới chuyển đổi tại 23 xã thuộc 9 huyện trong tỉnh, Chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức khoa học, tạo niềm tin cho các hộ nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật về nuôi thủy sản tập trung để có hiệu quả kinh tế.

6.1. Hiệu quả kinh tế.

6.1.1. Nuôi cá rô phi đơn tính.

Qua phân tích hiệu quả kinh tế giữa nuôi cá rô phi đơn tính và nuôi cá truyền thống cho thấy, hộ nông dân nuôi cá rô phi đơn tính theo công nghệ mới rất có hiệu quả kinh tế. Cụ thể:

- 1 ha nuôi ghép (mật độ cá rô phi 2 con/m2 và cá khác), sau thời gian nuôi từ 6 đến 7 tháng có giá trị tổng thu đạt bình quân 133,25 triệu đồng/ha/vụ và lãi đạt bình quân 41,25 triệu đồng/ha/vụ.

- 1 ha nuôi đơn (mật độ cá rô phi 3 con/m2), sau thời gian nuôi từ 6 đến 7 tháng có giá trị tổng thu đạt bình quân trên 157 triệu đồng/ha/vụ và lãi đạt bình quân 36,445 triệu đồng/ha/vụ.

- 1 ha nuôi cá truyền thống, sau thời gian nuôi từ 6 đến 7 tháng có giá trị tổng thu đạt bình quân khoảng 104 triệu đồng/ha/vụ và lãi đạt bình quân đạt 20,875 triệu đồng/ha/vụ.

Từ kết quả trên cho thấy, nuôi cá rô phi đơn tính theo công nghệ mới có hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với nuôi cá truyền thống. Đồng thời, khi so sánh nuôi đơn và nuôi ghép cá rô phi theo công nghệ mới thì nuôi ghép có hiệu quả kinh tế cao hơn, do giá thành sản xuất thấp hơn 9.533,68 đồng/kg, giá thành sản xuất 1 kg nuôi đơn 11.019,65 đồng/kg. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, độ rủi ro khi nuôi ghép cao hơn nuôi đơn vì các loại cá ghép dễ bị nhiễm bệnh, có khi chết nhiều, dẫn đến năng suất thu hoạch giảm, hiệu quả kinh tế bấp bênh.

Năng suất và hiệu quả nuôi đơn cá rô phi đơn tính hiện nay là ổn định, giá bán phải chăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, do đó có cơ hội phát triển.

6.1.2. Nuôi cá tra.

Qua thực hiện cho thấy, 1 ha nuôi cá tra có thể thu tới 258,3 triệu nhưng lãi chỉ có 20 triệu, tỷ lệ lãi/chi phí bằng 8,4% là thấp. Sở dĩ như vậy chủ yếu do giá bán quá thấp, bình quân chỉ bán được 10.500 đồng/kg, thấp hơn năm 2004 từ 1.000 - 1.5000 đồng/kg. Nếu như bán được thêm 1.000 đồng/kg thì số lãi sẽ tăng gấp đôi, so với nuôi cá rô phi đơn tính thì năng suất gấp 2 lần nhưng lãi chỉ bằng 50% do chi phí nuôi cá tra cao. Cá tra nuôi tương đối dễ, lớn nhanh, cho năng suất cao nhưng hiện tại đầu ra còn khó khăn, thương lái chỉ mua với khối lượng ít 4 - 5 tạ/1 ngày và chủ yếu là bán lẻ, chưa có cơ sở chế biến với lượng lớn.

6.1.3. Nuôi tôm càng xanh.

Tôm càng xanh nuôi có hiệu quả kinh tế nhất, lãi trung bình từ 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, điều kiện môi trường ao nuôi yêu cầu vệ sinh rất nghiêm ngặt, mặt khác thị trường tiêu thụ còn hẹp, vì vậy chỉ khuyến cáo phát triển nuôi tôm càng xanh đối với các hộ có ao nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, có kỹ thuật và chủ động tìm được mối tiêu thụ.

6.2. Hiệu quả kỹ thuật.

- Xây dựng được mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản tập trung tại những vùng đất mới chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao ở 23 xã thuộc 9 huyện trong tỉnh.

- Công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính giống tiếp tục được thực hiện tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Thạch Khôi, Gia Lộc); từ năm 2005 đơn vị đã sản xuất con cá giống rô phi đơn tính đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các hộ nông dân trong và ngoài chương trình nuôi.

- Đã giúp về công nghệ cho một số hộ nông dân ở xã Minh Hòa (Kinh Môn) và Tân Dân (Chí Linh) tự ương cá giống rô phi đơn tính đực từ cá bột đảm bảo chất lượng.

- Hướng dẫn cho trên 500 hộ nông dân tự chế biến thức ăn tại chỗ để sử dụng nguyên liệu sẵn có và giảm giả thành nuôi. Công thức chế biến thức ăn tại chỗ được áp dụng: cám gạo, bột ngô: 40 - 45%, đậu tương (rang, nghiền): 20 - 25%, bột cá nhạt hoặc cá tươi: 10 - 15%, rau xanh: 15 - 20%, khoáng chất 1%, chất kết dính. Thức ăn tự chế thường được sử dụng để nuôi cá rô phi từ 30% - 50%, còn lại là sử dụng thức ăn công nghiệp.

6.3. Hiệu quả xã hội.

- Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua các địa phương trong tỉnh đã tiến hành chuyển đổi gần 5.000 ha ruộng trũng, cấy lúa bấp bênh sang lập vườn đào ao nuôi thủy sản. Tuy nhiên, sau khi lập vườn, đào ao, vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra là phải lựa chọn nuôi loại thủy sản và áp dụng công nghệ nào để khai thác có hiệu quả cho số diện tích ao mới chuyển đổi là nỗi băn khoăn, trăn trở của các cấp lãnh đạo và đại đa số các hộ nông dân. Kết quả của việc áp dụng công nghệ mới để sản xuất cá rô phi hàng hóa tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao tại các vùng đất mới chuyển ở tỉnh Hải Dương đã góp phần trả lời câu hỏi mang tính chất kinh tế - xã hội cho các cấp lãnh đạo và nhân dân, tạo sự yên tâm thực hiện; đồng thời khẳng định chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi - thủy sản của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương là đúng hướng và hợp lòng dân.

- Kết quả áp dụng và chuyển giao công nghệ mới đã góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo nếp canh tác mới, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

- Kết quả nổi bật của các đề tài, dự án, chương trình đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nếu như qui mô nuôi cá rô phi đơn tính của năm 2001 chỉ thực hiện ở phạm vi mô hình thì đến năm 2007, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thực hiện được trên 1.000 ha, trong đó có 400 ha nuôi đơn và trên 600 ha nuôi ghép. Năng suất nuôi cá rô phi luôn ổn định (từ 10 - 12 tấn/ha đối với nuôi đơn) và sản lương cá rô phi hàng hóa tăng vọt theo từng năm. Sản lượng cá rô phi thương phẩm của tỉnh ngày một tăng nhưng vẫn tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

- Các dự án thuộc chương trình đều do UBND các huyện chủ trì thực hiện. Tuy lúc đầu còn gặp khó khăn, nhưng đến nay các huyện đã hoàn toàn chủ động quán xuyến chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án và đạt kết quả tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các huyện tiếp tục chủ trì thực hiện trong những năm tới.

- Những kết quả nối bật của chương trình đã được đưa vào Kế hoạch Khoa học và Công nghệ 5 năm (2006-2010) của tỉnh Hải Dương; đồng thời các kết quả đó là cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện đề án "Phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng và quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010" trên phạm vi toàn tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây