Xây dưng mô hình nuôi thử nghiệm Cá Tra

ĐỀ TÀI XÂY DỰNG MÔ HÌNH NUÔI THỬ NGHIỆM CÁ TRA ĐẠT NĂNG SUẤT CAO QUY MÔ HỘ GIA ĐÌNH

hủ nhiệm đề tài: KS. Tăng Đức Kháng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2004.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Áp dụng TBKT, đưa giống cá tra có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu vào nuôi thâm canh tại vùng nước tỉnh Hải Dương nhằm đạt năng suất 35 tấn/ha/1vụ. Thông qua đó khẳng định khả năng thích ứng của cá tra trong điều kiện môi trường ở Hải Dương, làm cơ sở mở rộng quy mô trong những năm tới.

- Trên cơ sở kết quả nuôi thử nghiệm (năm 2003), từng bước hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi cá tra năng suất cao phù hợp với điều kiện của tỉnh, tạo tiền đề mở rộng quy mô nuôi, tạo sản phẩm hàng hoá tập trung cho xuất khẩu.

- Góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nông dân có kỹ thuật lành nghề về nuôi thuỷ sản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xây dựng nông thôn mới.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả tiếp thu và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tra.

Đề tài đã tổ chức cho cán bộ kỹ thuật, các kỹ thuật viên cơ sở và tất cả các hộ nông dân tham gia đề tài đi khảo sát, học tập mô hình nuôi cá tra tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I, Trung tâm Giống thuỷ sản Hà Nội và một số cơ sở nuôi cá ở Hà Nội và Bắc Ninh.

Đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật (năm 2003: 2 lớp, năm 2004: 2 lớp) cho 30 kỹ thuật viên và hộ nông dân; cấp 100 bản tài liệu và quy trình kỹ thuật nuôi cá tra cho hộ nông dân tham gia đề tài.

Nội dung tập huấn bao gồm: Phương pháp điều tra lựa chọn hộ, chọn ao nuôi. Kỹ thuật cải tạo, xử lý ao ương cá giống, ao nuôi cá thịt. Kỹ thuật ương và chăm sóc cá giống, phương pháp vận chuyển cá giống. Kỹ thuật chế biến thức ăn bằng nguyên liệu tại chỗ, phương pháp đánh giá, lựa chọn thức ăn công nghiệp. Kỹ thuật cho ăn, cách tính toán liều lượng thức ăn trong từng giai đoạn, phương pháp quản lý môi trường ao nuôi. Phương pháp phòng và chữa bệnh cho cá, phương pháp thu hoạch cá, cách tiếp cận thị trường.

Kết hợp với các lớp tập huấn kỹ thuật, đề tài đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thăm quan mô hình, hội thảo đầu bờ để trao đổi, rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả đề tài.

2. Kết quả thực hiện các mô hình.

2.1. Kết quả khảo sát, lựa chọn địa điểm và các hộ nuôi cá tra.

Năm 2003 và 2004, đề tài được triển khai ở xã Hưng Đạo và xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ. Tổng số hộ tham gia là 10 lượt hộ, tổng diện tích là 14.800 m2, trong đó, năm 2003 diện tích là 4.900 m2 tại 4 hộ của xã Hưng Đạo, năm 2004 diện tích là 9.900 m2 tại 5 hộ của xã Hưng Đạo và 1 hộ của xã An Thanh.

Các hộ nông dân được lựa chọn tham gia đề tài đều là những hộ đã nuôi cá lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, rất hăng hái tiếp thu kiến thức khoa học và mạnh dạn áp dụng TBKT vào sản xuất, có khả năng tài chính để đầu tư thức ăn nuôi thâm canh.

Các ao nuôi cá được lựa chọn hầu hết đều ở trong nội đồng, đã nuôi cá nhiều năm, ao tương đối thuần, diện tích các ao đều có diện tích từ 1000 m2 trở lên, bờ ao chắc chắn, một số ao được xây bờ, mực nước ao từ 1,2 - 2 m, chất đáy là cát bùn hoặc đất thịt pha cát, ao không bị chua, độ pH từ 7 - 8. Điểm hạn chế là một số ao còn nhiều bùn, mực nước nông và không thuận tiện cho cấp và thoát nước; trên bờ ao có nhiều cây lâu năm gây ô nhiễm nước và làm giảm độ thoáng của ao.

Mặc dù các ao đã được chọn còn một số yếu tố chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng về cơ bản là phù hợp với các đặc điểm sinh thái của cá tra, có thể nuôi thâm canh với mật độ cao.

2.2. Kết quả ương cá giống.

Để chủ động con giống và chuyển giao kỹ thuật ương giống cá tra cho các hộ nông dân, năm 2004 đề tài đã thực hiện nội dung sản xuất cá giống tại chỗ bằng cách ương từ cá hương lên cá giống. Các biện pháp kỹ thuật như sau:

- Ao ương cá giống: diện tích 1000 m2.

Xử lý ao: trước khi thả giống, tát cạn ao, vét bùn, chỉ để lại lớp bùn mỏng từ 10 - 15 cm, kiểm tra cống, bờ ao, đắp vít các hang hốc, lỗ rò rỉ. Phát quang bờ, phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày, rắc vôi bột khắp đáy ao và bờ ao để khử trùng với liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 ao; tiếp tục phơi ao từ 2 - 3 ngày rồi bón phân hữu cơ đã ủ mục để gây màu nước, liều lượng 10 - 15 kg/m2 ao, có thể bón thêm 0,3 kg phân Urê, 0,5 kg phân lân/100 m2 ao. Sau đó lọc nước vào ao khoảng 30 - 40 cm, khi nước ao có màu xanh nõn chuối thì cấp đủ nước rồi thả giống.

- Cá giống: số lượng cá hương đưa vào ương là 55.000 con, cỡ cá bình quân 0,53 g/con, dài bình quân 3 - 4 cm. Cá được vận chuyển bằng túi nilon bơm ôxy đựng trong thùng xốp (mỗi túi khoảng 1000 con). Sau khi thả, cá khoẻ mạnh, hoạt động bình thường, tỷ lệ sống xấp xỉ 100%. Mật độ ương: 55 con/m2.

- Chế độ chăm sóc: mỗi ngày cho cá ăn 3 - 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối), thức ăn hoàn toàn bằng cám con cò loại 8005 có hàm lượng đạm 40% và loại 8006 có hàm lượng đạm 32%. Lượng thức ăn như sau:

Tuần thứ 1 và 2: cho ăn loại 8005, tỷ lệ 20% trọng lượng cá.

Tuần thứ 3 và 4: cho ăn loại 8005, tỷ lệ 15% trọng lượng cá.

Tuần thứ 5 và 6: cho ăn loại 8005, 8006 tỷ lệ 10% trọng lượng cá.

Hàng tuần thay nước ao ương, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn; 2 tuần 1 lần té vôi bột và sun phát đồng theo liều lượng quy định. Từ tuần thứ 2 và 3 dùng các thuốc KN-04-12, Hada CleanA... trộn lẫn vào thức ăn cho cá để phòng bệnh.

- Xuất cá giống: khi cá đạt tiêu chuẩn thì gạn ao bớt nước ao rồi dùng lưới kéo cá để xuất cá giống cho các hộ nuôi cá thịt. Trước khi xuất, phải luyện cá và ngừng cho cá ăn 1 - 2 ngày.

Kết quả sau 42 ngày ương (từ 24/4 đến 4/6/2004) số giống cá tra thu được là 31.500 con, cỡ cá bình quân 8 g/con, dài trung bình 9 - 10 cm, cá đồng đều và khoẻ mạnh. Tỷ lệ sống đạt 57,3%; giá thành cá giống rẻ hơn năm 2003 là 20%. Thông qua chuyển giao kỹ thuật ương cá tra giống, các hộ nông dân đã nắm được quy trình.

2.3. Kết quả nuôi thâm canh.

Năm 2003 và 2004, đề tài đã triển khai nuôi thâm canh cá tra trên diện tích 13.800 m2, số lượt hộ tham gia là 10 hộ theo 2 mô hình:

- Mô hình nuôi thâm canh theo mật độ khác nhau: 6 con/m2, 5 con/m2 và 3 con/m2. Năm 2003 nuôi ở 4 hộ, năm 2004 nuôi ở 6 hộ.

- Mô hình nuôi thâm canh bằng loại thức ăn khác nhau, thực hiện ở 2 hộ.

3. Kết quả thực hiện các mô hình.

3.1. Diện tích mật độ nuôi và số hộ nuôi cá tra.

a. Năm 2003:

- Diện tích nuôi: 4.900 m2, số hộ nuôi: 4 hộ ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ.

- Mật độ nuôi: 6 con/m2, diện tích 1.100 m2 (1 hộ); mật độ 3 con/m2, diện tích 3.800 m2 (tại 3 hộ).

- Hình thức nuôi: nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp.

- Cá giống: tổng số cá giống là 18.000 con, được thả làm 2 đợt, đợt I thả ngày 26/4/2003 là 10.800 con, đợt II thả ngày 11/5/2003 là 7.200 con. Cá giống khoẻ mạnh, đồng đều, trọng lượng bình quân là 3,3 g/con. Cá giống được vận chuyển bằng túi ni lon, có bơm ôxy, thời gian vận chuyển 1 giờ. Tỷ lệ sống sau khi thả 1 tuần là 95%.

b. Năm 2004:

- Diện tích nuôi: 8.900 m2 tại 6 hộ, trong đó 5 hộ ở xã Hưng Đạo, 1 hộ ở xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.

- Mật độ nuôi: 6 con/m2, diện tích 1000 m2 (1 hộ), nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp; mật độ 5 con/m2, diện tích 900 m2 (1 hộ), nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp; mật độ nuôi 3 con/m2, diện tích 7000 m2 (tại 4 hộ), nuôi thâm canh bằng thức ăn hỗn hợp.

- Cá giống: tổng số cá giống là 31.500 con, cá khoẻ mạnh, cỡ cá bình quân 8 g/con. Ngoài cá tra giống, các ao còn thả thêm 5% cá chép 3 máu để tận dụng thức ăn dư thừa, tổng số 1.450 con.

3.2. Chế độ chăm sóc quản lý ao.

Cải tạo xử lý ao: được thực hiện như đối với ao ương cá giống.

3.3. Thức ăn và khẩu phần ăn.

- Chế độ cho ăn: 1 ngày cho cá ăn 2 lần, sáng và chiều tối.

Đối với hình thức nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp thì tháng đầu thức ăn bằng 10% trọng lượng cá, khi cá có trọng lượng đến dưới 100 g/con, lượng thức ăn bằng 5 - 7% trọng lượng cá; khi cá có trọng lượng đến dưới 300 g/con, lượng thức ăn bằng 3 - 5% trọng lượng cá và khi cá có trọng lượng từ 300 g/con trở lên, lượng thức ăn bằng 2% trọng lượng cá.

Đối với mô hình nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tháng đầu cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, từ tháng thứ 2 trở đi cho ăn 50% thức ăn công nghiệp và 50% thức ăn tự chế biến. Thành phần thức ăn hỗn hợp tự chế biến gồm: cám gạo, bột ngô 45%; bột đậu tương 25%; bột cá nhạt 10%; rau xanh 20%; Vitamin và Premix. Tất cả được nấu chín cùng 1 - 2% bột sắn để cám gắn kết, lâu tan trong nước. Giá thành thức ăn tự chế biến là 4.200 đồng/kg.

Hệ số tiêu tốn thức ăn từ 1,2 - 1,6 kg/1kg tăng trọng của cá.

So sánh hệ số tiêu hao thức ăn ở các mô hình có thể nhận xét:

+ Các ao nuôi mật độ thấp, hệ số thức ăn thấp hơn ao nuôi với mật độ cao.

+ Các ao nuôi bằng thức ăn hỗn hợp, hệ số thức ăn thấp hơn ao nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

- Quản lý môi trường ao nuôi: Môi trường ao nuôi được thực hiện theo quy trình kỹ thuật xử lý: 1 tháng té vôi bột 1 lần, liều lượng 2 kg/100m2; 2 tháng đầu tiến hành phun Sunphát đồng, mỗi tháng 1 lần, liều lượng 0,5 kg/1000m3 nước; 1 tháng thay nước ao 1 lần, mỗi lần thay khoảng 20 - 30% thể tích nước trong ao.

- Kết quả theo dõi tốc độ sinh trưởng của cá tra:

+ Tốc độ sinh trưởng của cá tra khá nhanh, cá nuôi sau 1 tháng trọng lượng tăng từ 8 - 12 lần. Tính cả vụ nuôi thì tốc độ tăng trưởng bình quân 1 tháng là 150 g/con. Cá lớn nhanh nhất từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5, mỗi tháng tăng trưởng bình quân 200 - 300 g/con, có ao tăng tới 400 g/con tháng. Vì vậy, vào thời điểm này cần tập trung nuôi vỗ béo để đạt năng suất cao nhất.

+ Cá tra nuôi thâm canh sau 5 - 6 tháng nuôi đã đạt tiêu chuẩn thương phẩm và có thể thu hoạch. Cá tra nuôi từ 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng 900 - 1000 g/con, nhiều con đạt 1.500 g.

+ Tốc độ sinh trưởng của cá tra nuôi ở các mật độ khác nhau nhìn chung không có sự khác biệt.

+ Cá tra nuôi bằng thức ăn hỗn hợp so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì tốc độ sinh trưởng chậm hơn khoảng 9 - 10%.

+ Tỷ lệ sống của cá tra khi thu hoạch đạt từ 82 - 85%.

3.4. Kết quả thu hoạch cá.

Năm 2003: diện tích nuôi là 4.900 m2, sản lượng cá là 12.030 kg (trong đó cá tra 11.440 kg, cá khác 590 kg), năng suất bình quân 24,6 tấn/ha; trong đó mô hình nuôi 6 con/m2 năng suất đạt 37,2 tấn/ha; mô hình nuôi 3 con/m2 năng suất đạt 20,9 tấn/ha.

Năm 2004: diện tích nuôi là 800.900 m2, sản lượng cá đạt 22,375 kg (trong đó cá tra 20,660 kg, cá khác 1.715 kg), năng suất bình quân đạt 25,14 tấn/ha; trong đó mô hình nuôi 6 con/m2 năng suất đạt 47 tấn/ha; mô hình nuôi 5 con/m2 năng suất đạt 37,7 tấn/ha; mô hình nuôi 3 con/m2 năng suất 20,4 tấn/ha.

3.5. So sánh kết quả năm 2003 và năm 2004.

- Tỷ lệ sống của cá khi thu hoạch: năm 2004 thấp hơn năm 2003 là 1,5%.

- Trọng lượng cá bình quân khi thu hoạch: năm 2004 cao hơn năm 2003 là 5,3% (tăng 40 g/con).

- Năng suất bình quân chung: năm 2004 cao hơn năm 2003 là 2,2% (tăng 540kg/ha).

- Năng suất mô hình 6 con/m2,năm 2004 cao hơn năm 2003 là 26,3% (tăng 9.800 kg/ha).

Sở dĩ năng suất ở mô hình nuôi 6 con/m2 năm 2004 cao hơn năm 2003: 26,3% (9.800 kg/ha) là vì ngoài các yếu tố về con giống tốt hơn, tỷ lệ sống cao hơn thì yếu tố cơ bản nhất là thời gian thu hoạch cá. Năm 2003 do chưa có kinh nghiệm nên thời gian đánh bắt cá quá dài (hơn 20 ngày), làm cho cá ngừng ăn gần 1 tháng, trọng lượng cá giảm tới 25% so với trước khi thu hoạch. Năm 2004 thời gian đánh bắt cá ngắn (1 tuần) nên trọng lượng cá chỉ giảm 11% so với trước khi thu hoạch.

So sánh năng suất mô hình nuôi bằng thức ăn hỗn hợp với mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp với cùng mật độ nuôi 3 con/m2 thì giảm 6,6% (giảm 1.500 kg/ha).

* Nhận xét chung:

- Cá tra nuôi bằng thức ăn công nghiệp sau 6 tháng nuôi đã đạt trọng lượng bình quân trên 750 g/con và có thể cho thu hoạch.

- Thời gian thu hoạch nên tiến hành từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12, cố gắng thu hoạch xong trước khi có rét đậm để hạn chế hao hụt sản lượng.

- Năng suất cá tra nuôi ở tất cả các mật độ (6 con/m2, 5 con/m2, 3 con/m2)đều đạt và vượt mục tiêu của đề tài.

- Mô hình nuôi bằng thức ăn hỗn hợp vẫn có thể đạt năng suất cao. Vì vậy, trong nuôi thâm canh cá tra nên kết hợp nuôi bằng thức ăn công nghiệp với thức ăn tự chế biến để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng được nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ.

3.6. Hạch toán hiệu quả kinh tế các mô hình nuôi cá tra.

Giá thành và hiệu quả kinh tế các mô hình nuôi cá tra năm 2003 và 2004:

- Về giá thành: các mô hình nuôi thâm canh cá tra bằng thức ăn công nghiệp chi phí rất cao, giá thành 1 kg cá bình quân đều từ 8.774 - 9.787 đồng, trong đó mô hình 6 con/m2 giá từ 9.366 -10.100 đồng/kg, mô hình 5 con/m2 là 10.320 đồng/kg; mô hình 3 con/m2 là 8.470 - 9.557 đồng/kg. Như vậy, mô hình nuôi 5 - 6 con/m2 giá thành cao hơn mô hình 3 con/m2.

- Cơ cấu giá thành: trong cơ cấu giá thành thì chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn: từ 66,4 -76,1%; chi phí con giống từ 17,7 - 26,1%; chi phí khác từ 6,2 - 7,5%; chi phí về thức ăn năm 2004 cao hơn 2003 khoảng 30%. Sở dĩ như vậy vì giá thức ăn năm 2004 đắt hơn 2003 khoảng 30%.

Tổng chi phí trên 1 ha nuôi cá tra đối với mô hình nuôi 6 con/m2 là 408 triệu đồng/ha, mô hình 5 con/m2 là 389 triệu đồng/ha và mô hình 3 con/m2 là 185 triệu đồng/ha.

Tổng thu trên 1ha nuôi cá tra đối với mô hình nuôi 6 con/m2 là 501 triệu đồng/ha (năm 2004 là 596 triệu đồng/ha), mô hình 5 con/m2 là 484 triệu đồng/ha và mô hình 3 con/m2 là 247 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi 6 con/m2 lãi 93 triệu đồng/ha (năm 2004 là 122 triệu đồng/ha), mô hình nuôi 5 con/m2 lãi 95 triệu đồng/ha và mô hình nuôi 3 con/m2 lãi 58 triệu đồng. Xét về tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư thì mô hình nuôi mật độ 3 con/m2 đạt cao nhất là 31%, trong khi đó mô hình nuôi 5 - 6 con/m2 chỉ đạt 23 - 24%.

- So sánh hiệu quả kinh tế giữa mô hình nuôi 6 con/m2 và mô hình nuôi 3 con/m2 thì mô hình nuôi 6 con/m2 có mật độ tăng gấp 2 lần, chi phí tăng gấp 2,2 lần, nhưng lãi chỉ tăng 1,6 lần. Như vậy, nuôi mật độ 3 con/m2, chi phí ít, tỷ lệ lãi cao hơn, điều này phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ nông dân.

- So sánh giá thành và hiệu quả kinh tế giữa mô hình nuôi bằng thức ăn hỗn hợp với mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp cho thấy, nuôi cá tra bằng thức ăn hỗn hợp giảm 6,6% (giảm 1.500 kg/ha), đồng thời chi phí cũng giảm 15% (giảm 30 triệu đồng/ha), ngược lại lãi tăng 15% (tăng 10 triệu đồng/ha) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cũng tăng hơn 10%. Như vậy, xét về mặt kinh tế thì mô hình nuôi bằng thức ăn hỗn hợp có hiệu quả hơn và dễ được đông đảo bà con nông dân áp dụng.

- Tuy nhiên, nuôi cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn hỗn hợp đều có những nhược điểm:

+ Nuôi toàn bằng thức ăn công nghiệp tuy tốc độ sinh trưởng của cá nhanh hơn, công lao động ít hơn, môi trường ao nuôi ít bị ô nhiễm nhưng có nhược điểm là chi phí thức ăn quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư của đa số hộ nông dân.

+ Nuôi bằng thức ăn hỗn hợp có ưu điểm là tận dụng được nguyên liệu tại chỗ và lao động dôi dư trong gia đình, giá thành thức ăn hạ, phù hợp với khả năng kinh tế của các hộ nông dân, nhưng nhược điểm là chi phí lao động cho chế biến thức ăn cao và đặc biệt do lượng thức ăn dư thừa nhiều làm cho môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, nhất là vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao.

Vấn đề đặt ra là cần phải kết hợp giữa nuôi bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn hỗn hợp sao cho hợp lý để tận dụng những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm trên. Tỷ lệ hợp lý là sử dụng từ 30 - 50% thức ăn công nghiệp và 50 - 70 % thức ăn hỗn hợp tự chế biến.

4. Hoàn thiện quy trình ương cá giống và thâm canh cá thịt.

Qua 2 năm áp dụng quy trình kỹ thuật của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I cho thấy, quy trình phù hợp với điều kiện của Hải Dương. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai nuôi thử nghiệm một số nội dung mới đã được bổ sung vào quy trình như sau:

- Về thời vụ nuôi và thu hoạch cá tra: Đối với Hải Dương cũng như một số tỉnh phía Bắc do điều kiện khí hậu nên thời gian nuôi tiến hành muộn hơn, tức là thời gian nuôi từ tháng 5 và thời gian thu hoạch từ tháng 11 - 12 hàng năm, cần thu hoạch xong trước rét đậm.

- Về mật độ nuôi: để phù hợp với điều kiện môi trường và khả năng của các hộ nông dân, mật độ nuôi từ 3 - 5 con là hợp lý và có hiệu quả.

- Về thức ăn: nên kết hợp nuôi bằng thức ăn công nghiệp với thức ăn hỗn hợp tự chế biến để tận dụng nguyên liệu tại chỗ, hạ giá thành và giảm chi phí đầu tư. Tỷ lệ kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp từ 30 - 50% và thức ăn tự chế từ 50 - 70%.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đã triển khai nhân rộng mô hình tại một số hộ gia đình của các huyện trong tỉnh như­ Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang. Tuy nhiên, việc nuôi cá tra do phải đầu tư lớn về vốn cho giống và thức ăn, mặt khác thị trường tiêu thụ tập trung ở phía Bắc chưa hình thành, sản xuất lại nhỏ lẻ nên khả năng mở rộng bị hạn chế.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây