Ứng dụng tiến bộ khoa học tại 2 xã thuộc huyện Chí Linh, Kinh Môn

DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC TẠI 2 XÃ NÔNG THÔN VÀ MIỀN NÚI HUYỆN CHÍ LINH, KINH MÔN TỈNH HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm dự án: KS. Vũ Bảo Dương, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chuyển giao công nghệ: Trường Đại học Nông nghiệp I, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND các huyện Chí Linh và Kinh Môn.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 12/1998 đến tháng 12/2000.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

- Ứng dụng giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc có độ thuần cao, kỹ thuật thâm canh tổng hợp áp dụng vào mô hình có quy mô 60 ha tại 2 xã Tân Dân, huyện Chí Linh và Lê Ninh, huyện Kinh Môn, phấn đấu đạt năng suất 10 tấn/ha/ năm, đảm bảo bình quân lương thực/1người đạt 500 kg/1năm.

- Kết hợp với phát triển đồi rừng, lựa chọn giống vải, nhãn, hồng nhân hậu trồng dưới sườn đồi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật kéo dài thời gian thu hoạch quả, bảo vệ đất và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Xây dựng mô hình cải tạo và phát triển đàn bò địa phương để nâng cao tầm vóc, tăng sức kéo và sản lượng thực phẩm với quy mô 2 con bò đực lai Sind giống và 2 con bò Sind cái.

- Ứng dụng các giống lạc mới (LVT), trồng theo công nghệ mới, cùng với biện pháp kỹ thuật thâm canh phấn đấu trên diện tích trình diễn mô hình năng suất lạc đạt 22 - 25 tạ/ha/vụ.

- Đào tạo nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hộ nông dân thực hiện dự án. Tuyên truyền kết quả đạt được nhằm mở rộng dự án ra quy mô lớn.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện dự án ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Huyện Kinh Môn có 25 xã, trong đó có 10 xã miền núi. Trong các xã ở miền núi có 4 xã vùng đảo là núi đá vôi trên địa bàn. Tại các xã này vật liệu được khai thác nhiều phục vụ các nhà máy xi măng đóng tại địa phương. Còn lại 6 xã khác có đất đồi trọc, ruộng canh tác, ao hồ... Ban điều hành dự án đã chọn xã Lê Ninh là địa điểm thực hiện dự án. Xã này có đủ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đảm bảo để dự án thực hiện thành công như: có quy mô và diện tích vừa phải, có điều kiện cần thiết để xây dựng triển khai các mô hình dự án về thâm canh cây lúa, đảm bảo an toàn lương thực, phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... nhằm tạo việc làm cho người lao động, cán bộ, nhân dân có nhu cầu và hăng hái tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, đời sống, v.v...

Dự án đã chọn hộ áp dụng các mô hình như sau:

- Mô hình thâm canh lúa thuần, lúa lai Trung Quốc: 468 hộ.

- Mô hình thâm canh giống lạc mới (LVT) trồng theo công nghệ phủ nilon: 87 hộ.

- Mô hình phát triển kinh tế vườn rừng: 20 hộ.

- Mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở 500 hộ, trong đó có 2 hộ được chọn nuôi giống bò lai Sind do Dự án đầu tư.

2. Kết quả khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện Dự án ở huyện Chí Linh.

Huyện Chí Linh có 25 xã, trong đó có 13 xã miền núi, dân tộc, 12 xã còn lại thuộc đồng bằng xen đồi gò. Một số xã thuộc vùng sâu, vùng xa kinh tế chậm phát triển. Qua khảo sát thực tế, Ban chủ nhiệm Dự án đã chọn xã Tân Dân là địa bàn triển khai các mô hình dự án ở huyện Chí Linh. Ngoài việc xã này có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đại diện cho vùng bán sơn địa có điều kiện phổ biến nhân rộng ra 11 xã còn lại của huyện, Tân Dân còn có đủ điều kiện để triển khai các mô hình dự án như: có diện tích trồng lúa nước, đất trồng cây nông sản thực phẩm, đất đồi núi trọc có thể cải tạo trồng cây ăn quả và tu bổ đồi rừng; xã có vườn đồi và hệ thống đê sông Kinh Thầy bao bọc nên có thể đẩy mạnh phát triển đàn bò và các loại gia súc, gia cầm khác.

Ban chủ nhiệm Dự án đã chọn các hộ nông dân thực hiện các mô hình thực hiện dự án như sau:

- Mô hình thâm canh lúa thuần, lúa lai Trung Quốc chọn 852 hộ.

- Mô hình thâm canh giống lạc mới LVT trồng theo công nghệ phủ nilon chọn 259 hộ.

- Mô hình phát triển kinh tế vườn rừng chọn 111 hộ.

- Mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở trên 2.000 hộ. Trong đó, có 2 hộ được chọn chăm sóc nuôi dưỡng bò giống lai Sind do Dự án đầu tư.

3. Kết quả xây dựng mô hình.

3.1. Mô hình ứng dụng TBKH thâm canh lúa thuần, lúa lai Trung Quốc.

a. Quy mô thực hiện.

- Diện tích: 60 ha (xã Tân Dân: 30 ha; xã Lê Ninh: 30 ha), thực hiện trong 3 vụ (vụ mùa 1999, vụ xuân 2000 và vụ mùa năm 2000).

- Số hộ tham gia: 1.320 hộ nông dân (xã Tân Dân: 852 hộ; xã Lê Ninh: 468 hộ).

b. Các giống áp dụng.

Các giống được dự án đưa vào áp dụng là các giống lúa thuần (Q5, KD18) và các giống lúa lai (Bồi tạp sơn thanh), có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất cao, nhưng yêu cầu trình độ thâm canh cao, phân bón đầu tư phải cân đối cho từng loại giống.

c. Các biện pháp kỹ thuật.

- Phân tích đất: Trước khi bước vào thời vụ, đơn vị chuyển giao công nghệ và đơn vị chủ trì dự án đã điều tra, khảo sát và lấy mẫu đất được phân tích để bố trí các giống lúa cho phù hợp như giống Khang dân 18, Q5, lúa lai 2 dòng, v.v...

- Phân bón:

+ Đối với giống lúa thuần (Q5, KD18): 10 tấn phân chuồng, 100 kg đạm urê, 90 kg lân (P2O5), 100 kg Kali (K2O) .

+ Đối với giống lúa lai (Bồi tạp sơn thanh): 12 tấn phân chuồng, 120 kg đạm urê, 100 kg lân (P2O5), 100 kg Kali (K2O).

- Các biện pháp kỹ thuật: thực hiện theo quy trình.

d. Kết quả về năng suất.

- Vụ mùa 1999: năng suất đạt 58 tạ/ha so với các giống đối chứng CR203, C70 đạt năng suất 47 tạ/ha, tăng 13 tạ/ha, bằng 28,8%.

- Năm 2000:

+ Vụ xuân: Năng suất đạt 62 tạ/ha so với các giống đối chứng CR203, C71 đạt năng suất 47 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha, bằng 31,9%.

+ Vụ mùa: đạt năng suất 55 tạ/ha; so với giống đối chứng CR203, C70, năng suất đạt 42 tạ/ha, tăng 13 tạ/ha bằng 39,5%.

Như vậy, tính cả năm 2000, năng suất các giống lúa thuần, lúa lai ở mô hình của 2 xã đạt 11,7 tấn/ha, tăng 1,7 tấn so với mục tiêu đề ra.

3.2. Mô hình áp dụng TBKT thâm canh giống lạc mới (LVT) trồng theo phương pháp phủ nilon mặt luống.

a. Quy mô, thời vụ.

- Quy mô: 20ha.

- Thời vụ: vụ xuân 1999 và vụ xuân 2000.

- Số hộ thực hiện: 339 hộ, trong đó xã Lê Ninh có 87 hộ, xã Tân Dân có 259 hộ.

- Giống đối chứng: Là giống lạc TVT không phủ nilon mặt luống và lạc sen, trồng phổ biến ở địa phương từ lâu.

b. Các biện pháp kỹ thuật: thực hiện theo quy trình.

c. Kết quả thực hiện.

- Vụ xuân 1999: giống LVT phủ nilon mặt luống đạt năng suất 27 tạ/ha, không phủ nilon năng suất đạt 21,5 tạ/ha, giống lạc sen 13 tạ/ha. Như vậy giống LVT có phủ nilon tăng hơn giống không phủ nilon 25,6%, tăng hơn giống lạc sen 51,8%.

- Vụ xuân 2000: Giống LVT có phủ nilon mặt luống năng suất đạt 33,2tạ/ha, giống không phủ nilon năng suất đạt 23,5 tạ/ha, giống lạc sen năng suất đạt 15 tạ/ha. Như vậy, giống LVT có phủ nilon tăng hơn giống không phủ nilon 41,4%, tăng hơn giống lạc sen 54,87%.

3.3. Mô hình áp dụng TBKT phát triển cây ăn quả vườn đồi.

a. Quy mô thực hiện và loại cây trồng.

- Quy mô:

+ Diện tích thực hiện: 40 ha (mỗi xã 20 ha).

+ Số hộ thực hiện: 130 hộ, trong đó xã Tân Dân 111 hộ, xã Lê Ninh 20 hộ.

- Cây trồng: cây vải thiều, cây nhãn và cây hồng nhân hậu là những cây có giá trị kinh tế cao.

b. Các biện pháp kỹ thuật.

- Về nước tưới: để giúp nông dân mở rộng diện tích cây ăn quả vườn đồi, dự án đã đầu tư cho 2 xã 8 cụm tưới nước để cung cấp đủ nước cho cây ăn quả trong những tháng khô hạn.

- Các biện pháp kỹ thuật khác thực hiện theo quy trình.

c. Kết quả thực hiện.

- Số cây nhãn, vải ghép còn sống và phát triển: 961 cây (xã Tân Dân 482 cây, xã Lê Ninh 479 cây).

- Cây hồng nhân hậu: 968 cây (xã Tân Dân 485 cây, xã Lê Ninh 483 cây).

3.4. Mô hình áp dụng TBKT bò đực giống lai Sind để cải tạo đàn bò giống địa phương.

a. Quy mô thực hiện.

Dự án đã đầu tư cho 2 xã 4 con bò lai Sind 3/4 máu ngoại: 2 bò đực để phối giống với giống đàn bò địa phương tạo ra đàn bê lai có tầm vóc lớn và sức kéo khoẻ; 2 bò cái Sind để sinh sản ra bò đực và bò cái sinh sản.

b. Kết quả.

Tính đến tháng 12/2000, hai con bò cái lai Sind đã sinh được 2 con bê cái có tầm vóc to khoẻ, sau 6 tháng nuôi dưỡng có trọng lượng gấp đôi so với bê gié cùng tuổi. Trong 2 năm thực hiện dự án, 100% hộ nông dân nuôi bò của 2 xã và một số xã lân cận đã thực hiện phối giống bằng bò đực giống lai Sind do dự án đầu tư. Tính đến tháng 12/2000, bò đực đã phối 300 bò cái và cho ra đời 165 con bê lai.

4. Huấn luyện đào tạo, tuyên truyền kết quả Dự án.

Trong 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã tập huấn cho 5.850 lượt người, cấp 6.000 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân về kỹ thuật thâm canh lúa thuần, lúa lai Trung Quốc, kỹ thuật thâm canh giống lạc mới LVT trồng theo công nghệ phủ nilon, kỹ thuật cải tạo vườn đồi phát triển cây ăn quả đặc sản, cải tạo đàn bò địa phương theo hướng Sind hoá. Dự án cũng đã tổ chức tập huấn đào tạo được 20 kỹ thuật viên cho 2 xã.

IV. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả của dự án, nhất là mô hình áp dụng TBKT bò lai Sind đã giúp cho nhân dân địa phương có nhận thức đầy đủ về hiệu quả và phương pháp nuôi bò lai Sind để cải tạo, phát triển đàn bò địa phương. Mặt khác, các cụm tưới nước của dự án hỗ trợ 2 xã đã góp phần quan trọng trong việc cấp nước cho cây ăn quả vào mùa khô hạn, tạo điều kiện để mở rộng diện tích cây ăn quả vùng đồi các năm về sau.

Tuy vậy, sau khi nghiệm thu mô hình không nhân rộng ra các xã khác ở 2 huyện có các điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội tương tự. Chủ yếu do không có cơ quan chủ trì và kinh phí hỗ trợ mở rộng mô hình.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây