Mô hình cá rô phi xuất khẩu tập trung tại Hải Dương

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ CÁ RÔ PHI XUẤT KHẨU TẬP TRUNG TẠI HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Thạc sỹ Nguyễn Huy Điền, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, Bộ Thủy sản.

Cơ quan chủ trì và thực hiện: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I.

Cơ quan phối hợp thực hiện chính: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương; UBND huyện Tứ Kỳ.

Thời gian thực hiện: Từ năm 2004 đến năm 2005.

Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Đạt.

I. MỤC TIÊU

- Tạo được mô hình công nghệ sản xuất từ giống đến nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng nuôi tập trung.

- Hình thành nghề nuôi cá rô phi xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại Hải Dương và vùng Đồng bằng sông Hồng.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Quy trình kỹ thuật.

1.1. Chọn vùng nuôi và ao nuôi.

- Chọn vùng nuôi: Chọn những vùng nuôi thuộc huyện Tứ Kỳ có nhiều diện tích ao tập trung, bờ vùng cao, nguồn nước tốt, có khả năng điều tiết được nước khi cần thiết, gần đường giao thông, có tiềm năng kinh tế đầy đủ, có cơ sở vật chất tốt, thuận tiện cho việc nuôi cá xuất khẩu.

- Chọn ao nuôi cá: chọn những ao có diện tích tương đối rộng từ 1.000 - 10.000m2, độ sâu từ 1,5 - 2 m, đáy ao phẳng và có lớp bùn đáy không dày quá 20 cm, gần nguồn nước có khả năng thay nước khi cần thiết, có bờ ao chắc chắn, mặt ao thoáng không cớm rợp, độ cao bờ cao hơn mức nước cao nhất 50 cm, có cống cấp thoát nước đầy đủ.

- Chuẩn bị ao: tát cạn ao, bắt hết các loài cá tạp địch hại, phát quang bờ bụi, san lấp các hang hốc, củng cố đăng cống; tẩy vôi 7 - 10 kg/100m2 đối với ao bình thường, ao chua 10 - 15 kg/m2; dùng phân chuồng ủ hoai hoặc phân gia cầm bón lót với lượng 30 - 40 kg/100 m2; phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày trước khi lấy nước vào (đối với ao chua không phơi đáy). Lấy nước vào trước khi thả cá từ 3 - 5 ngày để gây màu nước; mức nước lấy ban đầu khoảng 30 - 50 cm và sau đó lấy đầy nước trước khi thả cá; khi lấy nước vào cần lọc qua đăng chắn hoặc lưới dày đề phòng cá tạp vào ao.

1.2. Quy trình thả và chăm sóc cá.

a. Thả cá giống.

- Chọn cá giống: chọn những con khoẻ mạnh, không bệnh tật, không xây xát, toàn thân bóng sáng, nhanh nhẹn, cỡ cá đồng đều; cá giống trước khi thả cần được tắm bằng nước muối 3%.

- Mật độ thả: dựa vào độ màu mỡ của ao và khả năng cung cấp thức ăn mà có thể sử dụng các công thức nuôi như sau:

+ Bán thâm canh: mật độ 3 con/m2, năng suất 10 - 15 tấn/ha, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tự chế biến.

+ Thâm canh: mật độ 6 - 7 con/m2, năng suất 15 - 25 tấn/ha, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, hàm lượng đạm trong thức ăn từ 20 - 40%; có thể sử dụng thức ăn tự chế biến theo công thức thức: bột cá 15%, bột ngô 25%, cám gạo 50%, đỗ tương 10%, Vitamin 1%. Với công thức trên, hàm lượng đạm có thể đạt được 20%.

- Cách thả: thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát. Chú ý phải cho cá giống quen dần với môi trường ao bằng cách thả cả túi và cá xuống ao trong khoảng 5 - 10 phút, sau đó mở túi ra cho dần nước ao vào, đến khi nhiệt độ nước trong ao và trong túi bằng nhau thì thả cá giống ra.

b. Chăm sóc và quản lý.

- Chăm sóc: Có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1: hai tháng nuôi đầu có thể kết hợp thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên (bằng cách bón phân vô cơ, vôi gây màu nước với liều lượng từ 0,2 - 0,3 kg đạm urê, 0,15 - 0,2 kg lân cho 100 m2 ao trong một tuần, vôi bón khoảng 2 kg/100 m2/lần trong 2 tuần); giai đoạn 2 là thời kỳ cá đã lớn và bắt đầu ăn mạnh, từ tháng thứ 3 trở đi ta sử dụng toàn thức ăn công nghiệp và không dùng phân vô cơ để bón, chỉ cần bón vôi định kỳ cho ao để phòng trừ dịch bệnh cho cá.

- Theo dõi các hoạt động của cá: Đối với ao nuôi thâm canh, ngoài việc thay nước còn phải có quạt nước hoặc hệ thống sục khí; thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá để định lượng thức ăn cho phù hợp.

c. Thu hoạch.

Đối với cá xuất khẩu, sau khi nuôi được 6 - 7 tháng đạt kích cỡ trên 500 g/con thì thu hoạch, có thể sử dụng thu hết một lần đối với các ao cá lớn đồng đều, đánh tỉa không thả bù (đối với các ao nuôi cá lớn không đồng đều).

Để đảm bảo cá khi xuất khẩu không có mùi bùn, trước khi thu hoạch cần có giai đoạn làm sạch cá bằng cách: cho cá ăn thức ăn chất lượng cao, thơm ngon; thường xuyên thay nước trong ao (3 ngày một lần, mỗi lần thay 1/3 thể tích nước của ao trong khoảng thời gian một tháng trước khi thu hoạch); có gom cá vào giai để trong ao, tránh cá tiếp xúc với bùn ao); để cá thương phẩm vào các bể xây sẵn có thay nước liên tục 1 lần/ngày trong thời gian 2 - 3 ngày trước khi xuất; trong quá trình thu hoạch cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nuôi cá và đơn vị thu mua sản phẩm, phải lập lịch rõ ràng về ngày tháng thu và số lượng cá giao.

2. Kết quả thực hiện mô hình.

2.1. Mật độ, kích cỡ cá giống và chế độ chăm sóc quản lý cá nuôi.

a. Mật độ và kích cỡ cá giống.

Trong hai năm 2004 và 2005, đề tài đã tiến hành nuôi với mật độ 3 con/m2 đối với mô hình nuôi bán thâm canh và 6 con/m2 với mô hình nuôi thâm canh. Tổng số cá đề tài cung cấp cho các mô hình nuôi là 2.357.021 con giống, trong đó, năm 2004 là 1.006.432 con và năm 2005 là 1.350.589 con; cá giống đạt trọng lượng trên 3 g/con và tính đực của đàn giống đạt trên 95%.

b. Chế độ cho ăn.

Thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến đảm bảo hàm lượng đạm từ 18 - 25%. Ngày cho cá ăn hai lần vào buổi sáng từ 9 - 10 giờ, chiều từ 4 - 5 giờ và áp dụng phương pháp cho ăn theo "4 định": định lượng, định tính, định vị, định thời gian. Mỗi tuần cho cá nghỉ ăn một ngày để cá tận dụng thức ăn tự nhiên và lượng thức ăn thừa, đồng thời đó cũng là biện pháp kích thích cá ăn và tiết kiệm cho người nuôi.

c. Kiểm tra tốc độ sinh trưởng.

Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá mỗi tháng một lần, mỗi lần cân từ 20 - 30 con để tính trọng lượng trung bình và tính tổng trọng lượng cá trong ao, từ đó tính định lượng thức ăn cho phù hợp. Kết quả kiểm tra cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của cá vào các tháng thứ 3, 4, 5. Vì vậy, trong các tháng này cần tập trung đầu tư cho cá ăn tích cực sẽ rút ngắn được thời gian nuôi và đạt được năng suất, hiệu quả.

2.2. Kết quả phòng trị bệnh cho cá rô phi nuôi thí nghiệm.

a. Phòng trị bệnh cá giống.

Giai đoạn cá rô phi giống thường gặp bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa và sán lá đơn. Bệnh trùng bánh xe, dùng sulfat đồng (CuSO­4) bằng hai cách: tắm cho cá giống với nồng độ 3 - 5 ppm (3-5 g/m3 nước), sau 10 - 15 phút cho cá ra nước sạch hoặc phun trực tiếp xuống ao hoặc bể cá giống với nồng độ 0,5 - 0,7 ppm (tương đương 0,5 - 0,7 g/m3 nước). Sau 1 - 2 ngày cá khỏi bệnh hết chết, kiểm tra trùng bánh trên da, mang không còn. Đối với bệnh trùng quả dưa và bệnh sán lá đơn, dùng formalin phun trực tiếp xuống bể cá giống hoặc ao cá giỗng với liều lượng 10 - 20 ml formalin/m3 nước; cách hai ngày phun một lần và sau từ 5 - 7 ngày cá đã giảm và không còn trùng trên cá.

b. Phòng trị bệnh cá nuôi thương phẩm.

Giai đoạn nuôi thương phẩm cá rô phi, thường ở cuối chu kỳ nuôi, môi trường ô nhiễm do hàm lượng NH3, H2S vượt mức cho phép (NH3 nhỏ hơn 0,1 mg/l và H2S nhỏ hơn 0,01 mg/l), nếu không xử lý môi trường sạch, cá rô phi thường bị sốc và nhiễm bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp hoặc bệnh viêm ruột do vi khuẩn Aeromonas hydrophila làm giảm chất lượng thương phẩm của cá. Nếu không có biện pháp điều trị tốt hoặc dùng kháng sinh điều trị, sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề tài đã chọn loại thuốc thảo mộc KN-04-12 có tác dụng trị các bệnh nhiễm khuẩn để phòng trị bệnh và đảm bảo sản phẩm không bị nhiễm dư lượng kháng sinh.

2.3. Kết quả thu hoạch các mô hình nuôi.

a. Năng suất và sản lượng nuôi.

Nuôi bán thâm canh với mật độ 3 con/m2: Năm 2004 các hộ nuôi bán thâm canh phần lớn ở các xã đạt từ 12,5 - 17,8 tấn/ha và vượt mức kế hoạch đã đề ra; riêng 2 xã Đại Đồng và Kỳ Sơn không đạt chỉ tiêu, là do trong thời gian nuôi 2 xã trên bị úng, ngập làm cho cá nuôi bị thoát ra tự nhiên ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Năm 2005 năng suất chỉ đạt từ 10 - 12 tấn/ha, thấp hơn năm 2004 là do thời gian nuôi ngắn hơn, mặt khác do đề tài không có chủ trương thu mua xuất khẩu nên các hộ đã chủ động thu hoạch và bán ra thị trường khi cá mới chỉ nuôi được trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tháng và trọng lượng cá chỉ đạt từ 400 - 500 g/con.

c. Hiệu quả kinh tế.

Lợi nhuận thu được do nuôi cá rô phi đơn tính trong 2 năm 2004 và 2005 là 72.144.000 đồng/ha/năm và tổng lợi nhuận thu được trong 2 năm đề tài mạng lại trên diện tích nuôi 75,4 ha là 5.439.657.600 đồng.

d. Hiệu quả xã hội.

Trong 2 năm thực hiện, đề tài đã chuyển giao đầy đủ kỹ thuật để nuôi cá rô phi hàng hóa tập trung, tạo vùng sản xuất cá có năng suất, chất lượng và sản lượng cao cho nhân dân một số xã của huyện Tứ Kỳ. Kết quả của đề tài được nhân dân trong vùng dự án đánh giá rất cao. Sự thành công của đề tài đã góp phần tích cực vào việc làm giầu cho các hộ nông dân bằng nghề nuôi cá rô phi.

- Đề tài đã đưa được giống cá rô phi đơn tính là đối tượng nuôi chính trong vùng nuôi cá tập trung để có sản lượng cá thương phẩm đủ lớn, với sản lượng đạt 955 tấn cá rô phi cung cấp ra thị trường trong 2 năm trên phạm vi một huyện.

- Tạo công ăn việc làm cho nông dân và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

- Nâng cao trình độ kỹ thuật, sự hiểu biết về nuôi cá làm cơ sở cho việc phát triển nghề cá lâu dài.

3. Kết quả nghiên cứu phương án tiêu thụ sản phẩm và giải pháp tiếp cận thị trường xuất khẩu.

3.1. Góp phần hình thành và phát triển thị trường buôn bán, tiêu thụ cá của khu vực Tứ Kỳ, Gia Lộc và thành phố Hải Dương

Số lượng người chuyên buôn bán cá của khu vực Tứ Kỳ, Gia Lộc và thành phố Hải Dương ngày một tăng, trong đó có một số khách mua đến từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội. Cá được bán tại các chợ làng của xã, huyện nhưng tập trung nhất là chợ cá Thạch Khôi, huyện Gia Lộc. Trong các loại cá được lưu thông trên thị trường thì cá rô phi chiếm tỷ trọng ngày một cao. Đây là bước phát triển thị trường tiêu thụ cá rô phi và theo những người buôn bán cá nhận xét thì lượng cá rô phi tiêu thụ năm 2005 đã tăng gấp từ 10 - 15 lần so với năm 2000.

3.2. Nghiên cứu đề xuất phương án chế biến và tiêu thụ sản phẩm, lựa chọn thiết bị chế biến qui mô nhỏ và giải pháp tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Theo phương án nghiên cứu tiêu thụ sản phẩm, cá nuôi được 6 tháng, trọng lượng trung bình đạt 500g. Đây là thời điểm khẩn trương thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Đề tài KC.06.22 NN đã khảo sát thị trường và đề nghị với các Tổng Công ty xuất nhập khẩu Thuỷ sản Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số công ty khác về việc thu mua và xuất khẩu sản phẩm của đề tài. Nhưng các công ty này không có thông tin phản hồi về việc đặt hàng thu mua. Đề tài thử nghiệm một số giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận, phát triển thị trường tiêu thụ cá rô phi nội địa, hướng cho nông dân từ người sản xuất thuần tuý có kinh nghiệm trong việc thu nhập thông tin, xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với đối tượng và quy mô sản xuất. Đồng thời, đề tài đã kết hợp với Trung tâm Khuyến ngư quốc gia chế biến đông lạnh nguyên con để tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ nội địa theo cách chế biến này còn chưa phổ biến.

3.3. Giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường.

Đề tài kết hợp với dự án "Phát triển thương mại trong nuôi trồng thuỷ sản bền vững nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo thông qua hoạt động hợp tác xã" tiến hành khảo sát xây dựng mô hình trình diễn. Dự án này đưa ra những giải pháp xây dựng và trình diễn mô hình hỗ trợ các hộ nông dân tiếp cận thị trường thuỷ sản nói chung và cá rô phi nói riêng.

4. Đánh giá hiệu quả của đề tài.

4.1. Trong điều kiện kinh tế xã hội của huyện Tứ Kỳ còn nhiều hạn chế, song công nghệ chuyển đổi giới tính cá rô phi bằng phương pháp xử lý hoóc môn đã được ứng dụng thành công đối với toàn bộ cá bột do 4.000 kg cá rô phi bố mẹ dòng GIFT sinh sản. Kết quả cá giống chuyển đổi giới tính có chất lượng cao, tỷ lệ đực đạt trên 95%. Kỹ thuật ương, giữ giống qua đông đã giúp chủ động con giống sau mùa đông, giúp nông dân có thể bắt đầu nuôi cá thương phẩm ngay từ tháng 3 dương lịch hàng năm.

4.2. Hoàn thiện công nghệ lưu giữ giống cá rô phi đơn tính qua đông với 3 phương thức: ương trong ao đất, trong giai, có mái che và trong giai không có mái che đã cho kết quả, tỉ lệ sống đạt từ 32-60%, đồng thời xác định được nhu cầu của người dân lấy giống qua đông so với giống chính vụ của các hộ nuôi tại huyện Tứ Kỳ và các địa phương khác trong tỉnh.

4.3. Xây dựng được quy trình nuôi cá rô phi xuất khẩu tập trung đạt năng suất cao (12.670 kg/ha). Thời gian nuôi cá từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch hàng năm; có thể nuôi thâm canh mật độ 7 con/m2, hoặc bán thâm canh mật độ 3 con/m2. Năm 2004-2005 đề tài triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển và hoàn thiện công nghệ nuôi cá rô phi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên quy mô 75,4 ha tại 563 hộ gia đình nông dân của huyện Tứ Kỳ tham gia. Kết quả đã thu được 955 tấn cá rô phi thương phẩm, trọng lượng đạt trung bình trên 500 g/con. Doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/ha trong vòng 6 - 7 tháng nuôi, thu lãi bình quân đạt 62 - 80 triệu đồng/ha/vụ.

4.4. Xây dựng được mô hình sản xuất thức ăn cho cá rô phi theo từng độ tuổi từ nguyên liệu địa phương. Đã tiến hành sản xuất và cung cấp 300 tấn thức ăn cho 563 hộ nông dân nuôi cá theo công thức chế biến thức ăn tổng hợp đã được nghiên cứu và được người dân đánh giá là hiệu quả. Chất lượng của thức ăn do đề tài sản xuất tương đương với thức ăn Proconco, Cargill...

4.5. Xác định được khả năng tiêu thụ cá rô phi thương phẩm cho các hộ nông dân của huyện Tứ Kỳ chủ yếu là do thương nhân mua và vận chuyển đến các khu vực lân cận như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... để tiêu thụ. Hai năm 2004 và 2005 đã tiêu thụ được 955 tấn cá rô phi thương phẩm bằng phương thức thu hoạch dần theo nhóm hộ trong các "Tổ liên gia" của vùng tham gia đề tài. Quá trình thu hoạch, người nông dân được trực tiếp bán sản phẩm của mình cho các thương nhân, không phải thông qua trung gian.

4.6. Đề tài đã giúp đỡ các hộ nông dân của huyện Tứ Kỳ tiếp cận và làm quen với thị trường tiêu thụ cá rô phi giống, cá rô phi thương phẩm.

4.7. Mô hình sản xuất rô phi hàng hoá tập trung được xây dựng trên cơ sở các ao nuôi đơn lẻ của hộ nông dân quy hoạch thành vùng sản xuất. Mô hình được phát triển bền vững với công nghệ đảm bảo an toàn về môi trường; đối tượng nuôi là cá rô phi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao sẽ góp phần làm tăng tỷ trọng sản xuất thủy sản nước ngọt trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương trong những năm tiếp theo.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ và sản xuất và tiêu thụ cá rô phi xuất khẩu tập trung tại Hải Dương" thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước, mang mã số KC.06.22.NN, do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I - Bộ Thủy sản chủ trì. Qua 2 năm thực hiện (2004-2005) tại huyện Tứ Kỳ, đề tài đã hoàn thiện và phát triển công nghệ nuôi cá rô phi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên quy mô 559 hộ gia đình nông dân với diện tích 75,4 ha và năng suất cá rô phi thương phẩm đạt từ 12 - 12,6 tấn/ha.

Căn cứ kết quả thực hiện các dự án, đề tài của tỉnh và Nhà nước đã thực hiện trong giai đoạn 2001-2004; căn cứ nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010, ngay từ năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định cho triển khai thực hiện Chương trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật: "Phát triển thủy sản hàng hóa tập trung tại các khu vực đất mới chuyển đổi ở các huyện trong tỉnh".


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây