Chủ nhiệm đề tài: Th.S Phạm Viết Khánh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.
Thời gian thực hiện: 1/2003 - 12/2003.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Nhân các giống hoa Phong lan: Hồ Điệp, Cattleya, Đai châu cung cấp cho thị trường.
- Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào lan Cattleya, Đai châu từ vật liệu là quả.
- Nhân nhanh giống cây Trinh nữ Hoàng cung bằng phương pháp cấy mô.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống hoa Phong lan, Trinh nữ Hoàng cung:
1. Nhân giống mới hoa Phong lan: Trung tâm Ứng dụng TBKH (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) tiếp thu công nghệ của Trung tâm Sinh học thực nghiệm (Bộ Khoa học và Công nghệ) kết hợp với Viện Sinh học nông nghiệp - Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội nhân giống mới hoa Phong lan theo sơ đồ sau:
Quả hoặc chồi cây (Lấy từ vườn sản xuất) ð Khử trùng (HgCl2 0,1%) ð Tái sinh chồi từ quả, đỉnh sinh trưởng, mắt ngủ (Môi trường tối thích MS + nước dừa + cà rốt + Petrol + khoai tây + đường) ð Nhân nhanh (Môi trường MS + nước dừa + cà rốt + Petrol + khoai tây + than hoạt tính + đường) ð Tạo cây hoàn chỉnh ð Thuần dưỡng ð Đưa ra vườn ươm.
Kết quả:
+ Tạo được 5.000 cây Phong lan Hồ điệp phát triển hoàn chỉnh, đưa vào giá thể đặt tại vườn ươm.
+ Nhân giống lan Đai châu, vật liệu từ mô quả, với số lượng 3 quả, đã đạt được 280 bình mẫu cây giống ở giai đoạn nhân nhanh và tạo cây hoàn chỉnh.
+ Từ 800 củ Trinh nữ Hoàng cung làm vật liệu nhân giống ban đầu, sau 6 tháng tạo được số lượng 2.800 cây hoàn chỉnh, đủ điều kiện đưa ra vườn sản xuất.
2. Nuôi dưỡng 15.000 cây phong lan và Trinh nữ hoàng cung để cung cấp cho sản xuất đại trà.
- Giao cho Hội Sinh vật cảnh thành phố Hải Dương 3.668 cây Hồ điệp và Hoàng thảo cấy mô trồng tại vườn ươm của Trung tâm mỹ thuật sinh vật cảnh, do điều kiện nhà nuôi cây không đảm bảo ánh sáng nên lan Hồ điệp có hiện tượng bị nhiễm bệnh thối lá, tỷ lệ cây chết cao: 30%.
- Tại vườn ươm của Trung tâm Ứng dụng TBKH:
+ Lan Hồ điệp sau khi đưa ra giá thể 1,5 năm, chăm sóc tốt, cây đã có kích thước lá đạt chiều dài 12 cm và rộng 5cm, một số cây đã phát hoa nhỏ.
+ Lan Hoàng thảo có đặc điểm trút lá vào mùa đông, sau trồng 6 tháng đến 1,5 năm có độ dài thân từ 12 - 16cm,
+ Lan Đai châu sau khi đưa giá thể 6 tháng tuổi lá đạt độ dài 10 - 12cm.
+ Trinh nữ Hoàng cung sau khi đưa ra vườn sản xuất 6 - 12 tháng đạt được số lá 9 - 15 lá, đã cho thu hoạch 3 kg lá khô giao cho Viện Y học cổ truyền tỉnh phục vụ chữa bệnh.
- Đào tạo được 5 cán bộ nắm vững được qui trình kỹ thuật và thao tác nhân giống lan Hồ điệp, Đai châu, Trinh nữ Hoàng cung bằng phương pháp cấy mô.
Giá thành sản xuất 1 cây phong lan giống: 2.500 đồng/cây.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Các giống lan được chuyển giao cho Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương, một số cơ sở thu được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên quy mô còn hạn chế.
Cây Trinh nữ Hoàng cung được Bệnh viện Y học cổ truyền tiếp nhận trồng và chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả, đang được mở rộng.