Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Đình Xuân, Trưởng phòng Nuôi cấy mô, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Công ty Giống cây trồng Hà Nội và xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 5 đến tháng 12/2005.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
Tiếp thu, làm chủ công nghệ nhân giống hoa hồng và chuyển giao công nghệ làm giống, trồng và chăm sóc hoa hồng cho các hộ nông dân.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Nhân giống hoa hồng bằng phương pháp giâm cành.
Công ty Giống cây trồng Hà Nội trực tiếp hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm về kỹ thuật hun trấu để làm giá thể, kỹ thuật phối trộn giá thể để giâm cành.
Do không có thị trường nên không thực hiện nội dung nhân giống bằng phương pháp giâm cành từ giống hồng Trung Quốc và đã điều chỉnh không thực hiện nội dung này.
2. Nhân giống hoa hồng bằng phương pháp ghép mắt.
2.1. Gốc ghép: Quy mô 400m2, số lượng giâm 5.200 cành.
Cành tầm xuân đã được xử lý ra rễ bằng NAA, nồng độ 2.000 - 2.500 ppm, sau khi được trồng trực tiếp tại vườn thực nghiệm tỷ lệ sống 76,2% (trong điều kiện thời tiết trong tháng 6 và tháng 7 có nhiều đợt nắng nóng 36 - 380C).
Thời kỳ đầu chủ yếu tưới phân Komix, cho đến khi phát triển cành mới thì 7 - 10 ngày tưới bổ sung phân NPK/lần.
2.2. Thực hiện ghép: Lấy mắt ghép từ giống hoa hồng của Pháp ghép lên gốc tầm xuân.
Tiến hành ghép mắt hoa vào những ngày có thời tiết khô ráo, không mưa; lấy mắt ghép từ những cành mang hoa, chọn mắt thức để nhanh phát triển. Thực hiện ghép mắt nhỏ có gỗ, sau đó quấn chặt bằng nilon, sau 18 - 20 ngày kiểm tra và rạch nilon. Nếu mắt tiếp hợp tốt sau 2 - 3 ngày cắt ngọn gốc ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi mắt ghép (Có thể kiểm tra sự tiếp hợp của mắt ghép bằng cách quan sát mắt ghép qua lớp nilon, thấy mắt ghép tươi và liền sẹo thì rạch nilon mắt ghép).
Kết quả thu được 2.611 cây ghép, tiêu thụ được 1.500 cây.
3. Kết quả sản xuất cây thử nghiệm.
Trong tháng 6 và tháng 7/2005, Trung tâm Ứng dụng TBKH đã trồng thử nghiệm 1.100 cây ghép, gồm 5 giống hoa hồng của Pháp và Hà Lan (đỏ nhung, đỏ cờ, đỏ vàng, cá vàng, trắng), sau 60 ngày số lượng cây sống 775 cây, đạt tỷ lệ 70,4%.
4. Một số đặc điểm của các giống hoa hồng trồng thực nghiệm.
- Giống đỏ nhung của Pháp: khả năng phân cành mạnh, ít gai, cây cao, độ dài cành hoa lớn, hoa nở theo kiểu hình chuông, nở chậm, cuống hoa to, hoa có hương thơm.
- Giống đỏ Hà Lan: khả năng phân cành mạnh, ít gai, cây cao, cành hoa dài, thời gian nở của hoa kéo dài, cuống hoa to, hoa có hương thơm.
- Các giống đỏ vàng, cá vàng, trắng sữa: khả năng phân cành trung bình, hoa có hương thơm, nhiều gai, hoa chóng tàn hơn giống đỏ nhung, đỏ cờ.
- Các giống hoa hồng Trung Quốc:
+ Giống đỏ nhung, đỏ cờ: cây cao, lá xanh đậm, phân cành tốt, đường kính hoa lớn, hoa nở nhanh, nhiều gai, cuống hoa nhỏ dễ bị gục, hoa chóng tàn, thế hoa không đẹp, hương thơm ít.
+ Các giống đỏ vàng, trắng sữa, trắng xanh: cây phát triển chậm, phân cành trung bình, màu sắc đẹp. Nhược điểm: nhiều gai, ít thơm, cành hoa ngắn, cây phát triển kém, đặc biệt trong điều kiện mùa nóng, hoa chóng tàn hơn hồng nhung.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sau khi thực hiện đề tài, việc trồng hoa trên địa bàn tỉnh có xu hướng chững lại, cây giống khó tiêu thụ. Kết quả đề tài không được áp dụng trên diện rộng.