Chủ nhiệm đề tài : KS. Lê Văn Cự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Khoa Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội; Hội Nông dân xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2003 đến tháng 8/2004.
Kết quả nghiệm thu xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
- Áp dụng chế phẩm Kiviva làm chậm chín quả vải, góp phần rải vụ thu hoạch, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng vải.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả khảo sát tình hình sử dụng chế phẩm Kiviva và thực trạng sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm vải thiều.
Khảo sát một số hộ ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã sử dụng chế phẩm Kiviva, các hộ xác nhận việc áp dụng chế phẩm này có tác dụng hạn chế rụng quả, quả ít nứt hơn, kéo dài thời gian chín thêm 7 ngày.
Khảo sát về cơ cấu giống, tình hình sản xuất tại 200 hộ trồng vải ở 2 xã Việt Hồng và Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà:
- Tổng số diện tích vải của 200 hộ: 66,053 ha; tổng số cây của 200 hộ: 14.881 cây; mật độ trung bình: 225 cây/ha (8 cây/sào).
- Về cơ cấu giống: giống chín sớm chiếm 19,5%, giống vải thiều chính vụ chiếm 46,35%, giống chín muộn chiếm 34,08%, thời gian thu hoạch trong khoảng 45 ngày.
- Về tuổi cây: có 90,04% cây có độ tuổi dưới 10 tuổi là các cây mới được trồng sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng (năm 1994); có 9,96% là cây trên 10 tuổi.
- Về tình hình chăm bón và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật:
+ Việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh chủ yếu theo tập quán, kinh nghiệm truyền thống.
+ Phần lớn nông dân chưa được học tập và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản quả vải.
- Tình hình tiêu thụ: Tiêu thụ ở 2 dạng là bán vải tươi (48,9%) và bán vải sấy khô (51,1%), 100% bán cho thương nhân, người tiêu dùng tại địa phương.
2. Kết quả của việc phun chế phẩm nhằm nâng cao năng suất và chất lượng quả vải.
2.1. Quy trình kỹ thuật.
Đã áp dụng phun chế phẩm 4 lần theo quy trình từ khi 90% hoa đực nở đến trước thu hoạch 7 ngày. Qui trình công nghệ như sau:
Phun thuốc trừ nấm, bọ xít, rệp (trước khi hoa nở) ð Phun chế phẩm lần 1 (lúc hoa nở rộ: 90% hoa đực nở) ð Phun chế phẩm lần 2 (sau lần 1 khoảng 10 ngày) ð Phun chế phẩm lần 3 (sau lần 2 khoảng 30 ngày) ð Phun chế phẩm lần 4 (trước thu hoạch 7 ngày)
2.2. Ảnh hưởng của việc phun chế phẩm đến năng suất và chất lượng quả:
- Tỷ lệ đậu quả của cây thí nghiệm cao hơn cây đối chứng 21,3%.
- Tỷ lệ quả rụng của cây thí nghiệm thấp hơn cây đối chứng 5,5%.
- Tỷ lệ quả nứt không đáng kể, thấp hơn cây đối chứng 0,65%.
- Tỷ lệ quả rám vỏ của cây thí nghiệm thấp hơn cây đối chứng 4,12%.
- Màu sắc quả của cây thí nghiệm sáng, bóng, đẹp hơn cây đối chứng.
- Quả ở cây được phun chế phẩm có kích thước lớn hơn, có thời gian chín chậm hơn so với cây đối chứng 10 ngày.
Việc phun chế phẩm đã làm tăng thêm từ 33 - 50% giá trị quả vải. Quả được xử lý chế phẩm Kiviva cho màu sắc đẹp hơn, kích thước to hơn nên dễ bán và được giá hơn từ 100 - 200 đồng/kg.
3. Kết quả bảo quản lạnh vải thiều được phun chế phẩm Kiviva.
- Quy mô: 200 kg quả vải, bảo quản lạnh ở nhiệt độ 20C trong thời gian 30 ngày.
- Quy trình: Vải quả chín ð Thu hoạch ð Làm sạch, buộc gọn ð Bao gói ð Xếp sọt ð Bảo quản lạnh (nhiệt độ bằng 2oC, thời gian 30 ngày) ð Tiêu thụ.
- Tổng số quả thu được 154 kg, tỷ lệ tổn thất: 23%.
Màu sắc quả (không bị bệnh) giữ nguyên màu sắc tự nhiên, gần như không có sự sai khác so với trước khi bảo quản, sau khi ra khỏi kho lạnh có thể bảo quản như vải mới hái từ cây và bán trong ngày.
Vải thiều được phun chế phẩm Kiviva có khả năng bảo quản lạnh sau thu hoạch tốt hơn đối chứng.
Tuy nhiên, tại thời điểm thu hoạch quả vải năm 2004 thời tiết quá nắng, nóng; việc phân loại và loại bỏ quả xấu, quả bệnh chưa kỹ nên khi bảo quản lạnh tỷ lệ quả bị nhiễm bệnh cao hơn so với các kết quả nghiên cứu trước đây của các chuyên gia.
4. Kết quả tập huấn, tuyên truyền.
- Tổ chức tập huấn cho 75 hộ nông dân về: phương pháp thu hoạch, bảo quản hoa quả nói chung và vải quả nói riêng; cách sử dụng chế phẩm Kiviva, góp phần nâng cao kiến thức cho một bộ phận nông dân tham gia đề tài về thu hoạch, bảo quản hoa quả nói chung, vải thiều nói riêng.
- Xây dựng băng hình hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm Kiviva đối với cây vải.
- Tuyên tuyền về kết quả của đề tài trên Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hải Dương.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Tại các xã Thanh Thuỷ, Thanh Sơn của huyện Thanh Hà, nhiều hộ nông dân đã triển khai áp dụng chế phẩm để kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hoá sản phẩm quả vải tươi. Tuy nhiên, việc cung ứng vật tư chưa kịp thời, công tác tuyên truyền sau dự án làm chưa tốt nên việc ứng dụng chế phẩm chưa được mở rộng quy mô lớn.