Cam đặc sản xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ

ĐỀ TÀI

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ GHÉP ĐỂ NHÂN GIỐNG

CAM ĐẶC SẢN XÃ TÂN KỲ, HUYỆN TỨ KỲ

 

Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Đình Xuân, Trưởng phòng Nuôi cấy mô, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả, Viện Nghiên cứu rau quả.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2005.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Ghép 1.500 cây đạt tỷ lệ sống 60% (900 cây thương phẩm) đưa ra trồng.

- Khôi phục và bảo tồn nguồn gen quý của giống cam đặc sản.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn tiếp thu được công nghệ ghép và thực hiện thành thạo tại Hải Dương.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Khảo sát tuyển chọn cây giống gốc, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây giống gốc bố mẹ để khai thác mắt ghép.

Ngay từ cuối năm 2004, Trung tâm Ứng dụng TBKH đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn xã triển khai đề tài để khảo sát và tìm hiểu về giống cam đặc sản của địa phương. Theo báo cáo của các đồng chí lãnh đạo xã và ý kiến trực tiếp của hộ nông dân còn trồng giống cam này cho biết: Giống cam này trước đây gọi là cam mật (cam tiến Vua), năm 1979, UBND xã Tân Kỳ đã tuyển chọn một cây đưa về trồng tại vườn quả Bác Hồ.

Đến nay, giống cam này chỉ còn lại hơn 20 cây trồng tại 9 hộ ở 2 thôn Ngọc Lâm và Nghi Khê. Số cây còn lại cằn cỗi, sâu bệnh nhiều, khó tồn tại nếu không được phục tráng và nhân rộng. Qua khảo sát thực tế đã chọn ra 20 cây để đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc và lấy mắt ghép nhân phục tráng giống của địa phương.

2. Tiếp thu công nghệ ghép của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả, Viện Nghiên cứu rau quả để phục tráng và nhân nhanh giống cam đặc sản của xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ.

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả đã cử cán bộ kỹ thuật về cùng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng TBKH Hải Dương hướng dẫn các hộ nông dân chăm sóc 20 cây cam gốc bố mẹ để khai thác ghép mắt. Kết quả qua 2 đợt khai thác mắt ghép thực hiện ghép tại Trung tâm Ứng dụng TBKH như sau:

Đợt 1: Tháng 8/2005, số cây được ghép là 500 cây. Số cây ghép đạt được là 400 cây (tỷ lệ sống 80%).

Đợt 2: Tháng 9/2005, số cây được ghép là 400 cây. Số cây ghép đạt được là 320 cây (tỷ lệ sống 80%).

- Chỉ tiêu của đề tài đặt ra là khai thác mắt ghép cho 1.500 cây, tỷ lệ cây sống sau khi ghép là 60%, nhưng do cây bố mẹ quá cằn cỗi nên qua 2 đợt khai thác mắt ghép chỉ đạt 900 mắt.

- Tỷ lệ cây sống sau ghép đạt 80%, cao hơn mục tiêu đặt ra 20% (mục tiêu 60%).

- Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng TBKH đã tiếp thu và làm chủ công nghệ ghép mắt với cây cam đặc sản xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ cũng như kỹ thuật chăm sóc cây cam gốc bố mẹ.

3. Trồng thử nghiệm cây thương phẩm (cây ghép).

Các cây sau khi ghép mắt giống cam Tân Kỳ đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng TBKH chăm sóc theo sự hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả đến khi cây ghép đạt tiêu chuẩn: độ dài mắt ghép lớn hơn 10 cm, mắt ghép phát triển tốt thì đưa ra trồng mở rộng sản xuất. Trung tâm ứng dụng TBKH đã giao 650 cây cam ghép đạt tiêu chuẩn đưa về xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ trồng để nhân mở rộng giống cho địa phương. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật chăm sóc cây cam ghép và quy trình kỹ thuật để các hộ nông dân thực hiện. Số cây còn lại được trồng tại vườn thử nghiệm của Trung tâm Ứng dụng TBKH để tiếp tục theo dõi khả năng sinh trưởng và phát triển của giống. Các cây cam ghép được trồng tại địa phương cũng như tại vườn của Trung tâm sinh trưởng tương đối tốt.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đề tài đã ghép và chuyển giao cho xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ 650 cây cam, góp phần bảo tồn giống cây quý hiếm. Giống cây đưa về xã phát triển tốt.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây