Một số loài Cá nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao

ĐỀ TÀI CHỌN LỌC BỒI DỤC LƯU GIỮ GIỐNG GỐC, GIỐNG THUẦN MỘT SỐ LOÀI CÁ NƯỚC NGỌT CÓ HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO PHỤC VỤ SẢN XUẤT ĐẠI TRÀ  

Chủ nhiệm đề tài: Trần Quang Chúc, Giám đốc Trung tâm Thuỷ sản Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Cơ quan thực hiện: Trung tâm Thuỷ sản Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ năm 1998 đến năm 1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Xác định thực trạng đàn cá bố mẹ và cơ sở lưu giữ giống cá trong tỉnh.

- Áp dụng TBKT bồi dục, lưu giữ, nhân giống gốc, giống thuần một số loài cá kinh tế nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao phục vụ cho sản xuất đại trà.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra khảo sát 16 đơn vị sản xuất cá giống.

1.1. Các cơ sở quốc doanh: gồm 5 doanh nghiệp và 3 trại cá trực thuộc.

a. Cơ sở vật chất.

- Tổng diện tích 89,6 ha, trong đó diện tích nuôi cá bố mẹ là 16,43 ha, ao ương cá giống và nuôi cá thịt 29,43 ha, cấy lúa 15,7 ha, trồng rau 0,86 ha và diện tích khác là 27,7 ha.

- Điều kiện ao: Quy mô diện tích được thiết kế theo tiêu chuẩn ngành cho từng loại ao như hiện nay vẫn còn phù hợp.

- Độ sâu mực nước: hầu hết các đơn vị không đảm bảo theo tiêu chuẩn (từ 1,2 đến 1,5 m), thường chỉ đạt từ 0,8 - 1 m.

- Chất đáy: do nhiều năm không có kinh phí cải tạo đất mùn nên các chất hữu cơ và đất mùn đã dày tới 0,5 - 0,7 m.

- Bờ ao bị sạt lở, rò rỉ làm ảnh hưởng đến kỹ thuật nuôi.

- Nguồn nước và hệ thống nước của các đơn vị đều lấy từ các sông. Một số đơn vị xa nguồn nước phải sử dụng hệ thống mương dẫn nước nên có lúc bị động trong sản xuất.

b. Cơ sở kỹ thuật.

Các xí nghiệp, trại cá đều được xây dựng từ những năm 1960-1968, đến năm 1991-1992 Trung tâm Thủy sản và Xí nghiệp cá Ha Xá được tỉnh đầu tư xây dựng công trình sinh sản mới. Các đơn vị khác dùng vốn tự có sửa chữa hoặc xây dựng thêm một số bể vòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vì vậy cơ sở kỹ thuật còn chắp vá, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Các trang thiết bị, dụng cụ chuyên ngành như máy bơm nước, lưới, vợt giai chứa cá, cốc đong cá bột... đều đầy đủ phục vụ sản xuất. Riêng Trung tâm Thuỷ sản Hải Dương được dự án ViE 93-001 (Viện Nghiên cứu nông sản thực phẩm I) trang bị cho mốt số máy móc, dụng cụ hiện đại như bộ kính hiển vi, bộ đèn chiếu, máy đo độ pH, ôxy, nhiệt kế, cân kỹ thuật, v.v... phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

c. Về trình độ chuyên môn.

Kết quả điều tra cho thấy: 7/8 đơn vị có cán bộ kỹ thuật trình độ đại học và 1/8 đơn vị không có. Tổng số cán bộ kỹ thuật trong các đơn vị là 28 người, trong đó có 10 đại học và 18 cán bộ trung cấp kỹ thuật.

1.2. Các cơ sở tư nhân.

- Tổng diện tích của 8 cơ sở tư nhân là 9,7 ha, trong đó diện tích nuôi cá bố mẹ 5,67 ha, ương cá giống 0,72 ha, diện tích cấy lúa 0,56 ha, trồng rau 0,47 ha và các diện tích khác là 2,88 ha.

- Về điều kiện ao: Các ao nuôi không được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn ngành ngay từ ban đầu, do cơ sở tự xây dựng theo kinh nghiệm. Độ sâu mực nước của 5/8 cơ sở chỉ đạt mức nước ao từ 0,8 - 1,2 m, có 3/8 cơ sở mức nước ao chỉ đạt bình quân 0,7 m. Chất đáy ao của các cơ sở tư nhân nhiều bùn hữu cơ, ít được nạo vét, bờ ao bị sạt lở, rò rỉ làm ảnh hưởng đến kỹ thuật nuôi. Ao của cơ sở sản xuất giống ở xã Thăng Long đã đầu tư nạo vét đáy, kè bờ chắc chắn, thuận lợi cho sản xuất. Nguồn nước của các ao đều lấy từ hệ thống mương thuỷ nông của xã. Một số cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước, thường bị động khi thay đổi nguồn nước nuôi vỗ cá bố mẹ vào đầu vụ sản xuất. Một số cơ sở được xây dựng từ trước năm 1990, đến nay công trình xuống cấp nghiêm trọng. Một vài cơ sở mới phát triển từ sau năm 1995 trở lại đây, các công trình xây dựng có cải tiến và liên hoàn hơn.

- Về trình độ chuyên môn: Có 2 cơ sở có cán bộ trung cấp kỹ thuật đã về hưu, làm nhiệm vụ chỉ đạo kỹ thuật sản xuất và kinh doanh. Một số cơ sở có cán bộ trong ngành đỡ đầu làm cố vấn kỹ thuật. Số còn lại làm theo kinh nghiệm thực tế và tài liệu kỹ thuật.

1.3. Chất lượng đàn cá bố mẹ.

a. Tổng đàn cá nuôi vỗ.

- 16 cơ sở sản xuất giống đã đưa vào nuôi vỗ 10.100 cặp cá bố mẹ các loại, trong đó khu vực quốc doanh là 7.113 cặp và tư nhân là 2.987 cặp.

- Tổng khối lượng đàn cá là 29.320 kg.

b. Kích thước và tuổi cá.

Hầu hết các đơn vị tuyển chọn nuôi vỗ đàn cá bố mẹ có kích thước nhỏ hơn tiêu chuẩn và chất lượng không đều, trọng lượng bình quân đạt ở mức tối thiểu.

c. Nhận xét về chất lượng đàn cá.

Nhìn chung, chất lượng đàn cá bố mẹ mấy năm gần đây bị giảm sút nhiều. Nguyên nhân chính như sau:

- Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các đơn vị còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng của hệ thống ao nuôi xuống cấp, không đáp ứng với yêu cầu sản xuất cá giống.

- Do sự cạnh tranh thị trường tiêu thụ cá bột nên các cơ sở thường nuôi vỗ cho cá đẻ sớm, mặc dù biết rõ chất lượng cá không đủ tiêu chuẩn về trọng lượng để sản xuất cá giống.

- Lý do cơ bản nhất là đàn cá đã bị tạp giao qua nhiều năm nên bị cận huyết.

- Chất lượng cá đẻ thấp so với tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành. Qua kiểm tra trọng lượng cho thấy, cá bố mẹ rất nhiều con không đạt về trọng lượng, dẫn đến trọng lượng trung bình không đạt ở mức tiêu chuẩn, đã bị thoái hoá, sức sống thấp, rất chậm lớn. Với chất lượng đàn cá bố mẹ như vậy đã dẫn tới việc sản xuất giống nhân tạo của các cơ sở tư nhân chưa tốt.

2. Áp dụng TBKT để bồi dục và lưu giữ giống gốc, giống thuần.

2.1. Phương pháp theo dõi quá trình nuôi lưu giữ, bồi dục.

Tất cả các loài cá giống mới nhập về đều được cắt vây đánh dấu trước khi thả. Riêng cá mè bột đưa về ương từ ngày 28/8 đến ngày 16/11/1998, sau gần 3 tháng mới tiến hành cắt vây lần thứ nhất, số lần cắt vây 3 lần/tháng, vết cắt vây đó khi phát triển trở lại sẽ thành tật. Đây là đặc điểm để phân biệt giữa cá mới với cá hiện đang nuôi tại ao của đơn vị.

2.2. Kết quả theo dõi sự sinh trưởng.

Tốc dộ sinh trưởng: Thực hiện lấy mẫu (30 con), đo dộ dài từng cá thể và cân tổng số, từ đó xác định khối lượng và số đo trung bình của một cá thể.

2.3. Tỷ lệ sống.

Tỷ lệ sống của cá Mè trắng Việt Nam đạt 65%. Cá chép Việt Nam và cá chép Hung thuần đạt 50%. Cá rô phi 2 dòng đạt bình quân 60%. Cá Mrigan đạt 60%.

2.4. Nhận xét về chất lượng đàn cá.

- Trung tâm hiện có 8 dòng cá thuộc 6 loài cá kinh tế nước ngọt được nhập từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, các dòng cá đó đều nằm trong 25 loài cá kinh tế nước ngọt hiện nay do Viện đang lưu trữ nguồn gen và cung cấp đàn cá bố mẹ thuần chủng cho các địa phương trong cả nước. Qua việc chuyển giao công nghệ, hướng kỹ thuật của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, Trung tâm đã áp dụng quy trình kỹ thuật để thực hiện đề tài trên đạt nhiều kết quả.

- Sau khi đề tài thực hiện có kết quả, các giống cá đã được nuôi thuần thục để sản xuất cá giống đạt chất lượng, cung cấp cho nuôi đại trà.

- Năm 1999 Trung tâm đã sản suất giống cá rô phi thuần (2 dòng) Thái và GIFT với số lượng 1,5 vạn con. Đây là là loại cá có giá trị thương phẩm cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, thành thục muộn, đẻ thưa, lớn nhanh.

- Ương giống và nuôi cá tra, cá ba sa:

Quy trình ương giống cá tra, cá ba sa được tiến hành theo các bước: đưa cá bột vào các mành lưới riêng biệt. Trong thời gian này phải luôn chú ý, chăm sóc cá cẩn thận. Khi cá lớn được 1 - 2 gam bắt đầu chuyển ra nuôi tại ao lớn. Ao được xây dựng như ao nuôi cá nước ngọt bình thường, chú ý nguồn nước cấp vào đảm bảo sạch, không có mùi, khoáng chất gây hại cho cá, độ pH duy trì ở mức 7 - 8,5, độ mặn 1 - 2‰. Xử lý đáy ao bằng các phương pháp diệt tạp, rắc vôi bột, bón cho ao 3 loại: phân đạm, phân chuồng ủ mục và phân lân. Diện tích ao phù hợp nhất là từ 300 - 1.000 m2/ao, độ sâu từ 0,8 - 1,4 m, đảm bảo mặt ao thông thoáng, môi trường nước không ô nhiễm.

Mật độ cá thả từ 4 - 10 con/m2, tuỳ thuộc vào sản lượng thực tế mà người nuôi cần đầu tư, nếu ao, hồ rộng, sạch có thể thả dày hơn. Ngoài ra, để tận dụng nguồn thức ăn thừa do cá không sử dụng hết, nên thả bổ sung một số loài cá khác như rô phi, chép, mè... với tỷ lệ nhỏ. Đối với thức ăn dành cho cá tra, cá ba sa nước ngọt, người nuôi có thể tự chế biến được. Lưu ý đây là hai loại cá rất phàm ăn, trong giai đoạn đầu cần cho cá ăn từ 1 - 2 lần/ngày, không được để thức ăn dư thừa trong ao quá lớn để không làm ô nhiễm nguồn nước, bởi hai loại cá này có sức kháng bệnh khá kém, hay bị bệnh xước vây. Khi nước trong ao quá đục hoặc bẩn, phải tiến hành thay nước mới ngay. Muốn cho nguồn nước luôn sạch nên thả vào ao một ít bèo tây hay các loại rong, tảo. Cá tra và cá ba sa thường không chịu được thời tiết giá lạnh, do đó khi đưa vào nuôi ở miền Bắc chỉ nên nuôi vào mùa ấm (từ tháng 5 đến tháng 11), nếu nuôi vào mùa rét cá lớn rất chậm và hay bị chết.

Kết quả sau 2 năm nuôi cá tra, cá ba sa ở Hải Dương cho thấy, cá phát triển bình thường. Trọng lượng bình quân của cá tra đạt từ 1,7 - 1,8 kg/con và cá ba sa đạt từ 2,8 - 3 kg/con. Tỷ lệ cá sống đạt 90%, chất lượng cá thương phẩm tương đối tốt.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả của đề tài là một giải pháp quan trọng, làm cơ sở cho việc lưu giữ và phát triển nguồn cá giống phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2000-2010.

Trung tâm Thuỷ sản Hải Dương đã duy trì tốt hoạt động sản xuất, lưu giữ, bồi dục để cung cấp giống cho nông dân. Hàng năm, Trung tâm thường xuyên lưu giữ trên 20 loại giống gốc, giống thuần cá nước ngọt, bồi dục và sản xuất cá giống để cung cấp cho nông dân trong tỉnh, đồng thời đã nuôi thử nghiệm được một số giống cá có giá trị kinh tế cao được nhập từ các địa phương khác ở trong và ngoài nước.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây