Chủ nhiệm đề tài: Trần Quang Chúc, Giám đốc Trung tâm Thuỷ sản tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.
Cơ quan thực hiện: Trung tâm Thuỷ sản Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Thuỷ sản Trung ương.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2000.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Sản xuất cá rô phi đơn tính đực nhằm mục đích cung cấp giống cho nhân dân trong tỉnh nuôi cá thương phẩm.
- Chủ động sản xuất con giống tại chỗ với giá bán hạ hơn từ 25 - 30% so với cá giống vận chuyển từ miền Nam ra. Chất lượng cá giống khỏe mạnh, ít hao hụt và an toàn về dịch bệnh.
- Xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính đực trong điều kiện thời tiết, khí hậu và nguồn nước của tỉnh Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Phương pháp 1: Xử lý bằng hoóc môn.
Quy trình công nghệ chuyển giới tính cá Rô phi bằng phương pháp cho cá ăn thức ăn trộn hoóc môn 17 a MT của AIT, do chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I chuyển giao.
- Thời gian xử lý hoóc môn là 21 ngày: nuôi trong bể xây 7 ngày, tiếp đó nuôi 14 ngày trong giai nilon cắm dưới ao.
- Hàng ngày cho cá ăn thức ăn có trộn hoóc môn với liều lượng:
+ 5 ngày đầu cho cá ăn bằng 25% trọng lượng đàn cá.
+ 5 ngày tiếp cho cá ăn bằng 20% trọng lượng đàn cá.
+ 5 ngày tiếp cho cá ăn bằng 15% trọng lượng đàn cá.
+ 6 ngày cuối cho cá ăn bằng 10% trọng lượng đàn cá.
Đối với mỗi lô nuôi, cứ 5 ngày phải cân, đong, đếm mẫu cá để tính trọng lượng toàn đàn. Trên cơ sở đó tính khối lượng thức ăn cho phù hợp.
- Thức ăn cho cá được phối trộn: 1 kg bột cá nhạt + 20g Vitamin C + 60mg hoóc môn 17a MT.
- Khẩu phần thức ăn của mỗi lô trong ngày được cân để riêng và chia nhỏ cho ăn từ 3-5 lần/ngày đêm (ở bể xây 4 - 5 lần/ngày đêm, ở giai cước 3 lần/ngày đêm).
- Kết quả 9 đợt thu trứng: từ 31/5 đến 8/8/2000 được 98.546 con cá bột để xử lý theo phương pháp 1. Sau xử lý hoóc môn (21 ngày tuổi) đã thu được 62.377 con cá hương, tỷ lệ sống đạt 77,73%, cỡ cá trung bình 0,146 gam/con.
- Kết quả kiểm tính:
+ Kiểm tra sau thời gian nuôi từ 3 - 4 tuần để ương cá hương thành cá giống đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 gam/con, tiến hành kiểm tra tổng số đàn còn lại, so sánh với số lượng cá thả từ 21 ngày tuổi, để tính tỷ lệ sống (%) của mỗi lô thí nghiệm. Khi xuất bán cá giống cho nhân dân nuôi cá thương phẩm mỗi lô giống phải để lại 50 - 100 con làm tiêu bản kiểm tra giới tính và theo dõi một số chỉ tiêu khác.
+ Kiểm tính đực, khi cá có độ tuổi 50 - 60 ngày kể từ lúc mới nở, tiến hành kiểm tra giới tính. Kết quả số cá hương 62.377 con được ương lên thành cá giống (50 - 60 ngày tuổi) thu được 52.100 con cá rô phi giống, tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt 85%, tốc độ sinh trưởng trung bình (chiều dài đạt từ 4,2-4,9cm, trọng lượng 2,76 gam/con), tỷ lệ cá rô đơn tính đực đạt 85,4% .
2. Phương pháp 2: Xử lý bằng hoóc môn 17 a MT.
Thực hiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá Rô phi đơn tính đực bằng phương pháp ngâm hoóc môn 17 a MT.
- Cá thu về bơm cho nước chảy nhẹ, dùng máy sục khí cho cá khoẻ mạnh, loại bỏ cá yếu do quá trình đánh bắt.
- Cân mẫu, đếm điểm để tính tổng số cá thu được của từng đợt, cho vào dụng cụ xử lý hoóc môn (nếu cá nhiều dùng bể, cá ít dùng thùng hoặc chậu to).
- Pha hoóc môn tan trong cồn rồi hoà vào nước, ngâm cá thời gian từ 3 - 4 ngày trong dung dịch 17a MT, nồng độ 5 ppm (1 lọ 5 gam pha 1 m3 nước), mật độ cá trong bể xử lý là 20 con/lít. Trong môi trường ngâm cá có máy sục khí nhằm thoả mãn nhu cầu ôxy cho cá. Trong thời gian ngâm phải cho cá ăn bột cá nhạt và Vitamin C (80gam Vitamin C/1kg bột cá nhạt). Khẩu phần ăn cho cá là 20% khối lượng cá/ngày, cho ăn 4 -5 lần/ngày. Hàng ngày vệ sinh đáy bể bằng ống xi phông.
- Kết quả qua 5 đợt, tổng số cá thu được là 47.232 con, sau xử lý hoóc môn được 38.400 con. Tỷ lệ sống trung bình đạt 81,6%, cỡ cá trung bình đạt 0,125 g/con.
Thực tế cho thấy, sản xuất cá Rô phi đơn tính đực theo công nghệ dùng hoóc môn 17 µ MT với cả 2 phương pháp cho ăn và ngâm đã thu được kết quả. Tổng số 145.778 con cá bột, nuôi lên cá hương 21 ngày tuổi còn 100.777 con, tỷ lệ sống đạt 69%. Tiếp tục nuôi đàn cá hương đó lên cá giống thu được 84.275 con, tỷ lệ sống trung bình đạt 83,6%, kết quả kiểm tính cá rô phi đơn tính đực trung bình cả 2 phương pháp đạt 83,9%.
3. So sánh hai quy trình công nghệ chuyển giới tính cá rô phi bằng hoóc môn 17 a MT.
- Phương pháp 1: Ưu điểm là có tỷ lệ cá đực đạt cao, tốn ít hoóc môn. Tuy nhiên, có nhược điểm là thao tác từ khâu thu trứng đến ấp, ương phức tạp hơn, thời gian lại dài (21 ngày) nên khó quản lý, chăm sóc.
- Phương pháp 2: Ưu điểm là thời gian xử lý hoóc môn ngắn (4 ngày), dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là quá trình thu cá bột ở độ tuổi 16 - 20 ngày để đo tốc độ sinh trưởng về chiều dài của cá là khó chính xác, mặt khác việc kéo lưới, thu cá quá nhỏ (11 - 13 mm) nên gặp khó khăn, cá rất dễ bị chết trong quá trình thao tác; quá trình xử lý tốn nhiều hoóc môn hơn phương pháp 1.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Trung tâm đã xây dựng được khu nhân giống cho cá rô phi đẻ nhân tạo và chuyển đổi giới tính đơn tính đực cho cá giống bằng hoóc môn.
- Lưu giữ qua đông được giống cá bố mẹ.
- Đã sản xuất được giống cá rô phi đơn tính đực đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nhân dân một số địa phương trong tỉnh sản xuất cá thương phẩm đạt năng suất cao.