Chủ nhiệm đề tài: Phạm Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Viện Bảo vệ thực vật (BVTV).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/1998 đến tháng 12/1999.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
- Tiếp thu công nghệ sản xuất bả diệt chuột sinh học của Viện BVTV.
- Sản xuất thử bả diệt chuột sinh học (DCSH) tại Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Tiếp thu công nghệ sản xuất bả DCSH của Viện BVTV.
- Đào tạo kỹ thuật nhân chủng vi sinh vật cho 2 kỹ sư thành thạo các thao tác từ pha chế dung dịch nuôi cấy đến vận hành sử dụng các thiết bị chuyên dùng và 5 kỹ thuật viên trực tiếp sản xuất bả DCSH.
- Lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên dùng theo công nghệ của Viện BVTV với công suất 30kg dịch/ngày.
- Sản xuất thử và kiểm tra tay nghề cán bộ công nhân của Chi cục theo công nghệ hoàn chỉnh từ nhân giống - nuôi cấy - phối trộn - đóng gói - bảo quản và kiểm tra đánh giá hiệu quả bả DCSH trên chuột nuôi và số lượng khuẩn lạc/1gam sản phẩm dưới sự giám sát của chuyên gia Viện BVTV.
2. Sản xuất bả diệt chuột sinh học.
2.1. Nguyên liệu.
- Thóc loại 1 được rửa sạch loại bỏ hết trấu bẩn.
- Chủng vi sinh vật Salmonela enteritidis 1 -7 F-4 đã qua nhân giống cấp 2.
- Chất làm suy giảm miễn dịch (muối Cumarin 0,06%) làm giảm khả năng tự vệ của chuột.
- Nước sữa đậu nành sử dụng cho lên men vi sinh vật.
2.2. Các bước tiến hành.
- Bước 1:
Nhân giống vi sinh vật cấp 3: Cấy vi sinh vật cấp 2 từ đĩa Peteri cấy sang bình tam giác đựng sữa đậu nành, nút lại đưa vào tủ ấm đạt 37OC trong thời gian 24 giờ, cứ 3 tiếng lắc bình 1 lần.
Lên men cho sản xuất: Vi sinh vật đã nhân ở bình tam giác cho vào bình sục khí có 10 lít sữa đậu nành đã khử trùng, sục khí trong 24 giờ ở 37OC. Không khí đã được lọc vô trùng.
- Bước 2: Tạo chất nền + Phụ gia phối trộn sản phẩm.
Thóc được rửa sạch sau 8 - 10 lần, ngâm 24 giờ, luộc nứt vỏ, tỉ lệ nứt đạt 70 - 90%, đổ thóc luộc, để ráo nước, trộn với phụ gia 0,06% theo công thức: 60g phụ gia + 10kg thóc luộc + 10ml NaOH 40%. Trộn đều, tiếp sau đó đưa vào lọ thủy tinh loại 0,7 lít (cho 350 gr/lọ) buộc kín bằng vải màn, giấy xi măng cho hấp cách thủy để khử trùng trong thời gian 1,5 - 2 giờ tính từ lúc nước sôi, đưa ra phối trộn theo tỷ lệ 10ml dịch + 400 - 500 gr thóc, sau đó lắc đều và để trong buồng ủ 12 giờ ở nhiệt độ 37OC. Cuối cùng đưa ra đóng gói và đưa vào phòng bảo quản.
2.3. Tiêu chuẩn của sản phẩm.
- Đặc trưng cảm quan:
Màu: Nâu đỏ. Mùi: Có tính lên men của Salmonela enteritidis 1 - 7 F-4. Độ pH từ 7,2 - 7,4.
- Kết quả sản xuất thử được 240 kg bả DCSH. Sản phẩm được kiểm tra chất lượng đạt trên 2 tỷ tế bào vi sinh vật/1 gam chế phẩm, đạt yêu cầu về chất lượng (theo Quyết định số 1208/NN-KHCN/QĐ ngày 14/7/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tiết kiệm chi phí và giá thành hạ được 10 - 18% so với mua từ Trung ương.
3. Kết quả áp dụng chế phẩm bả diệt chuột sinh học.
- Năm 1998: Tổ chức sản xuất thử (lấy dịch thể của Viện BVTV về phối trộn tại Hải Dương) được 500kg đủ tiêu chuẩn đưa về Xí nghiệp Giống lúa Lai Cách, huyện Cẩm Giàng và 2 xã Đồng Lạc, Cộng Hòa thuộc huyện Chí Linh để diệt chuột. Đồng thời, bằng nhiều nguồn vốn đã mua 27.735 kg của Viện BVTV áp dụng tại 9/12 huyện, thành phố và 84/263 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để diệt chuột trong khu dân cư.
- Năm 1999: Dùng số chế phẩm tự sản xuất 240 kg bả chuột sinh học, tổ chức diệt chuột tại một số địa điểm trong tỉnh.
- Kết quả theo dõi, đánh giá:
+ Tỉ lệ mô bả DCSH có chuột ăn từ 91,3 -100% (đặt bả chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau thu bả).
+ Sau 7 ngày áp dụng tại Xí nghiệp Giống lúa Lai Cách chuột hoạt động giảm từ 33,3 -56%. Tại xã Đồng Lạc giảm 31,1% và xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh giảm 32%.
+ Sau 14 ngày tại Xí nghiệp Giống lúa Lai Cách chuột hoạt động giảm 66,7 - 84%. Tại Đồng Lạc là 44,7%, Cộng Hòa là 41,4%.
+ Sau 21 ngày tại Xí nghiệp Giống lúa Lai Cách là 58,3 - 85%, tại Cộng Hòa là 61,3%.
+ Bả có mùi thơm hấp dẫn chuột đến ăn mồi cao, không gây chán bả.
Nhìn chung, sử dụng bả sinh học để diệt chuột đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và hiệu quả diệt chuột đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, do thời gian bảo quản ngắn, không gây cho chuột chết ngay (chết rải rác 4-10 ngày sau sử dụng), chuột chết rải rác, khó xác định được vị trí chuột chết, gây ô nhiễm cục bộ. Chất lượng bả diệt chuột sinh học phụ thuộc thời tiết và thời gian bảo quản, giá thành cao, khó tiêu thụ.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Dây chuyền sản xuất bả DCSH tại Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương không phát huy hiệu quả. Kết quả thực hiện đề tài không được nhân rộng.