Chủ nhiệm đề tài: KS. Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Trạm Khuyến nông các huyện Thanh Miện, Nam Sách.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/1999 đến tháng 7/2001.
Kết quả nghiệm thu xếp loại: Đạt.
I. MỤC TIÊU
- Xây dựng vùng sản xuất bò giống đực, cái lai Sind bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bò quy mô huyện đạt được chỉ tiêu phấn đấu năm 1999-2001: Phối được 1.500 con bò cái có tỷ lệ thụ thai 60 - 65%; sản xuất được 700 - 800 con bê lai; chọn được 200 - 300 bê cái, 20 - 30 bê đực cung cấp cho sản xuất.
- Đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên (DTV), thụ tinh nhân tạo (TTNT) bò cho 2 huyện có hiệu quả. DTV thành thạo tay nghề, phối giống đạt tỷ lệ thụ thai 60 - 65%.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Điều tra hiện trạng đàn bò ở các xã vùng dự án của 2 huyện Thanh Miện và Nam Sách.
Điều tra: 3.143 hộ. Tổng số lượng đàn bò do các hộ nuôi là 3.714 con, trong đó bò cái sinh sản 2.614 con.
Số lượng đàn bò cái chiếm 70%, chủ yếu sử dụng phục vụ cày kéo và sinh sản. Số bò cái sinh sản lựa chọn đưa vào dự án: 2.208.
- Chất lượng đàn bò sinh sản vùng điều tra:
Đàn bò cái sinh sản được điều tra có tuổi bình quân 4 - 5 tuổi, sinh sản tốt và ổn định. Tuy nhiên trong đàn bò sinh sản có một số con đẻ thưa lứa, chậm sinh, trọng lượng bình quân thấp (ở lứa tuổi 4 - 5 tuổi là 175 - 190 kg/con).
- Số lượng bò đực trong vùng dự án:
Số bò đực giống lai Sind của 12 xã là 5 con, số bò cái của 12 xã là 2.614 con. Số bò đực chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh sản 25-28% đàn bò cái hiện có.
- Tình hình bệnh tật của đàn bò trong vùng dự án:
Trong quá trình điều tra đàn bò trong vùng chưa phát hiện những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như nhiệt thán, dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, v.v... Chỉ có một số bệnh thông thường như: ve, chướng hơi dạ cỏ, giun đũa bê, nghé.
- Nguồn thức ăn và tập quán chăn nuôi bò:
Có 95% hộ nuôi 1 con, 100% bò nuôi phục vụ cày kéo và sinh sản, lấy phân cho trồng trọt; 70% thức ăn chăn nuôi là tận dụng nguyên liệu tại chỗ.
2. Đào tạo dẫn tinh viên và tập huấn cho hộ nông dân.
- Đào tạo dẫn tinh viên (DTV) cho cơ sở:
Mỗi xã có từ 1 - 2 người được đào tạo, chủ yếu là chủ bò đực giống và cán bộ chăn nuôi, thú y xã.
Kết quả đã đào tạo được 18 người với tỷ lệ 100% đạt yêu cầu, 95% đạt khá.
- Tập huấn cho nông dân:
Số lớp tập huấn: 14 lớp. Số lượt người tham gia tập huấn: 873 người.
Nội dung tập huấn phong phú, có thực hành trên gia súc để các hộ nông dân quan sát trực tiếp các thao tác thụ tinh nhân tạo cho bò của DTV.
Đa số bà con nông dân được tập huấn đã xác định được thời gian động dục, biểu hiện động dục, thời điểm phối tinh thích hợp cho bò để báo cho DTV phối giống kịp thời.
3. Kết quả áp dụng TBKT trong phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo của các học viên.
- Đội ngũ DTV sau khi được đào tạo đã thao tác truyền tinh nhân tạo cho bò đạt kết quả tốt. Tỷ lệ thụ thai đạt trung bình 73 - 79%. Tổng số bò chửa bằng phối tinh nhân tạo trong 2 năm là 1.605 con.
- Sử dụng kích dục tố: Gonado Estrol; tam hợp tố; PGF2a trên bò cái chậm sinh khôi phục được một phần chức năng sinh lý sinh sản của bò cái chậm sinh so với huyết thanh ngựa chửa đều có tác dụng hơn.
Trong các loại kích dục, hoóc môn có hiệu quả cao là PGF2a; tam hợp tố, còn huyết thanh ngựa chửa có hiệu quả thấp nhất, chỉ đạt 20%.
4. Đề xuất một số giải pháp phát triển mạng lưới dẫn tinh viên.
- Xây dựng mạng lưới DTV cho cơ sở:
+ Về cơ cấu, vùng hoạt động của một DTV phải hợp lý với đặc thù của công tác TTNT bò, mỗi huyện cần phải có 10 - 15 DTV.
+ Tiêu chuẩn DTV: Phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp Phổ thông trung học; có kỹ thuật chăn nuôi thú y; đảm bảo tự nguyện và nhiệt tình, yêu nghề, có sức khoẻ, tuổi đời không quá 45 tuổi.
- Nhà nước hỗ trợ:
+ Đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở (đào tạo DTV).
+ Tổ chức, quản lý mạng lưới dẫn tinh viên.
+ Hỗ trợ liều tinh đông khô.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả thực hiện đề tài đã được nhân rộng, góp phần tích cực thực hiện chương trình sind hoá đàn bò trên địa bàn tỉnh.