Xây dựng vùng chăn nuôi Lợn Nái ngoại

ĐỀ TÀI ỨNG DỤNG KỸ THUẬT TIẾN BỘ XÂY DỰNG VÙNG CHĂN NUÔI LỢN NÁI NGOẠI  

Chủ nhiệm đề tài: Th.S Nguyễn Văn Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/1997 đến tháng 12/1999.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Xác định hiện trạng chăn nuôi lợn ngoại tại một số huyện trong tỉnh.

- Xây dựng mô hình vùng chăn nuôi lợn nái ngoại.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Xác định được hiện trạng chăn nuôi lợn ngoại một số huyện trong tỉnh.

- Quy mô điều tra ở 124 hộ ở 11 xã, phường thuộc thành phố Hải Dương, các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc.

- Số lợn nái ngoại là 147 con, tuổi động dục 240 ngày, chu kỳ động dục 18 - 21 ngày, thời gian mang thai 113 - 115 ngày; số lợn con trung bình/nái ngoại thấp: 9 - 10 con; trọng lượng lợn con xuất chuồng 16 - 18 kg/con/2 tháng tuổi.

Các hộ nông dân còn gặp khó khăn trong kỹ thuật, tiền vốn, thị trường không ổn định.

2. Xây dựng vùng chăn nuôi lợn nái ngoại.

- Địa điểm thực hiện: tại các phường Thanh Bình, Bình Hàn, Cẩm Thượng (TP Hải Dương); các xã Tân Trường (Cẩm Giàng), Nam Hưng (Nam Sách), Văn Tố (Tứ Kỳ), Thúc Kháng (Bình Giang), Gia Khánh (Gia Lộc).

- Biên soạn và in ấn 500 cuốn kỹ thuật chăn nuôi lợn cung cấp cho các hộ chăn nuôi.

- Phối hợp với UBND các xã, phường, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức 25 lớp tập huấn cho gần 2.000 người. Hướng dẫn nông dân kỹ thuật chọn giống, nhân giống theo các công thức lai nhiều máu ngoại, áp dụng theo công thức phối trộn thức ăn tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giúp hạ giá thành chăn nuôi.

- Kết quả xây dựng vùng chăn nuôi lợn nái ngoại:

+ Qua 3 năm thực hiện đề tài vùng lợn nái ngoại được hình thành, duy trì và phát triển ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương); các xã Tân Trường (Cẩm Giàng), Nam Hưng (Nam Sách) gồm có 97 hộ nuôi với 193 nái đã đẻ từ lứa 1 đến lứa 6, sản xuất ra 4.731 lợn con, tuyển chọn 383 lợn cái hậu bị cung cấp cho các địa phương. Đàn lợn nái sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, nhất là ở Tân Trường (Cẩm Giàng).

+ Các phường Thanh Bình, Cẩm Thượng và các xã Thúc Kháng, Văn Tố tuy không hình thành được vùng giống, song đã tạo ra 185 lợn con giống cung cấp cho các hộ khác nuôi lợn thương phẩm.

- Về hiệu quả kinh tế:

Giá thành lợn giống: 12.362 đồng/kg, mức lãi sơ bộ từ gần 400.000 - 1.200.000 đồng/lứa. Nhìn chung, chăn nuôi lợn nái ngoại tại các hộ nông dân có hiệu quả kinh tế.

Mô hình vùng nái ngoại xã Văn Tố, xã Thúc Kháng không duy trì được vì ở địa phương chưa có tập quán chăn nuôi và tiêu thụ lợn ngoại, vốn đầu tư thấp, chất lượng giống mẹ nhập về chưa đảm bảo tiêu chuẩn, lợn bị bệnh và tỷ lệ lợn loại thải cao, năng suất thấp, giá thành 13.354 đồng/kg lợn giống.

Tại các xã Tân Trường (Cẩm Giàng), Nam Hưng (Nam Sách) có tập quán chăn nuôi lợn nái, tiếp thu kiến thức khoa học, có đầu tư vốn khá thì tỷ lệ lợn nái cao hơn và năng suất của lợn nái sinh sản cao hơn các xã Văn Tố (Tứ Kỳ), Thúc Kháng (Bình Giang).

Các bệnh thường gặp ở đàn nái ngoại nuôi tại tỉnh Hải Dương gồm: viêm phổi, rối loạn tiêu hoá, rối loạn thần kinh, viêm da, viêm đường sinh dục, không động dục trở lại và lợn ỉa phân trắng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả thực hiện đề tài đã đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện chương trình nạc hoá đàn lợn. Mô hình nuôi lợn nạc ngoại đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây